Lịch sử ra đời của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam
Việt Nam có 3.260 km chiều dài đường bờ biển không kể các đảo. Ngoài vùng nội thuỷ, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và cuối cùng là thềm lục địa. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km biển Đông.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như ý nghĩa quan trọng của Ngày Đại dương Thế giới, năm 2008, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho phép tổ chức Tọa đàm nhân sự kiện này. Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Các đại biểu đều đồng nhất về nhận thức cần phải tổ chức Tháng hoặc Tuần lễ biển, hải đảo của Việt Nam.
 
tuan le bien 2016 (1).jpg
 
    Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được Chính phủ quy định trong Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009. Tại Công văn số 950/TTg-KTN ngày 12 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương ven biển tổ chức từ ngày 01 đến ngày 08 hàng năm. Quyết định 373/2010/QĐ-TTG ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bề vững biển và hải đảo Việt Nam” cũng được ghi trong các nhiệm vụ cụ thể. Mặt khác, ngày 08 tháng 7 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong đó tại điều 7 đã quy định rõ “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến 08 tháng 6 hằng năm”. Việc Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam được quy định rõ trong Luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo được xem là cột mốc quan trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
 
tuan le bien 2016 (2).jpg
 
       Ý nghĩa của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam
Việc tổ chức thành công hằng năm Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với các hoạt động thiết thực đối với đất nước góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp đề Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển, đảo bền vững. Đồng thời với việc đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể thực hiện 6 mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Mặt khác, kỉ niệm ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam còn là dịp tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.