LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

01/10/2022

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, chấm dứt thời kỳ trên 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Chỉ sau 31 ngày kể từ ngày Quốc khánh, ngày 03/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 41 bãi bỏ các cơ quan công sở của Pháp, trong đó Sở trước bạ, văn tự, quản thủ điền thổ và trực thu giao cho Bộ Tài chính tiếp quản. Từ đó đến nay Ngành Quản lý Đất đai Việt Nam nói chung của tỉnh Nam Định nói riêng không ngừng trưởng thành và phát triển cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Ngày 11/6/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hàng năm là ngày truyền thống ngành Quản lý Đất đai Việt Nam.

GIAI ĐOẠN 1945 - 1959

Ngày 29/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 75 về cơ cấu bộ máy Bộ Tài chính trong đó có Nha trước bạ công sản và Điền thổ (về sau là Nha Địa chính).

Ngày 02/02/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký  sắc lệnh số 12, sát nhập tất cả các Sở, Ty Địa chính vào Bộ canh nông.

Ngày 18/6/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 64 sát nhập các Nha, Sở Địa chính đồng thời tách khỏi Bộ Canh nông để sát nhập vào Bộ Tài chính.

Ngày 11/7/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 112 sát nhập Nha Địa chính với Nha trước bạ - công sản điền thổ thành lập Nha Công sản trực thu địa chính.

Suốt thời gian từ năm 1950 đến năm 1958 cán bộ ngành Công sản được huy động chủ yếu để thu thuế nông nghiệp. Ngày 03/7/1958 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 334 về việc tái lập lại hệ thống địa chính trong Bộ Tài chính và Uỷ ban hành chính các cấp. Chức năng ngành Địa chính chủ yếu bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất sau cải cách ruộng đất và thu thuế điền thổ.

GIAI ĐOẠN  1960 - 1980

Nghị định số 70-CP ngày 9/12/1960 của Hội đồng chính phủ quy định nhiệm vụ tổ chức ngành quản lý ruộng đất, theo đó ngày 11/3/1961 Bộ Nông nghiệp - Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01-TT/LB quy định tạm thời tổ chức quản lý ruộng đất ở địa phương.

- Ở tỉnh thống nhất thành lập Phòng quản lý ruộng đất thuộc ty nông nghiệp. Ở huyện công tác quản lý ruộng đất thống nhất vào Phòng Nông nghiệp huyện (Bộ phận QLĐĐ).

- Ở tỉnh việc quản lý nhà nước về ruộng đất có Phòng quản lý ruộng đất thuộc Ty nông nghiệp,  tỉnh có quyết định thành lập Đoàn đo đạc ruộng đất để phối hợp với huyện, xã, HTX tiến hành đo đạc thành lập bản đồ giải thửa lấy đơn vị HTX nông nghiệp làm đơn vị cơ bản. Với mọi phương tiện hiện có như thước dây, thước tre, ông ngắm, ... toàn tỉnh đã thực hiện tốt nghị quyết 125 -CP ngày 28/6/1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất, chỉ thị số 231 - TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 24/9/1974 về việc tăng cường công tác QLRĐ, quyết định số 169/CP ngày 24/6/1977 của hội đồng chính phủ về công tác điều tra thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước.

Trong thời kỳ này lực lượng của Đoàn đo đạc bản đồ có lúc lên tới  trên 400 người (vào cuối những năm 1970), ở xã có cán bộ ruộng đất xã, mỗi HTX nông nghiệp có một cán bộ ruộng đất. Số liệu thống kê đất đai được tiến hành từ cơ sở HTX, đến cuối năm 1979 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ giải thửa, lập số mục kê kiêm thống kê ruộng đất đối với tất cả các HTX nông nghiệp.

GIAI ĐOẠN 1980 -  4/1988

Ngày 24/5/1979 Uỷ ban thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 548/NQ- QH về việc thành lập Tổng cục Quản lý ruộng đất và thống nhất quản lý Nhà nước về Đất đai, ngày 09/11/1979 Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 404 quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý ruộng đất  ở Trung ương và địa phương. Ở tỉnh Ban quản lý ruộng đất tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập tại Quyết định số 310/QĐ-TC ngày 4/3/1980 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh với lực lượng cán bộ gồm một số cán bộ thuộc Ban phân vùng quy hoạch tỉnh, cán bộ phòng Quản lý Ruộng đất và đoàn Đo đạc (thuộc ty Nông nghịêp nay là Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn). Số lượng cán bộ tại thời điểm thành lập Ban quản lý ruộng đất tỉnh có 15 cán bộ từ Ban phân vùng quy hoạch chuyển sang, phòng QLRĐ có 7 cán bộ, đoàn Đo đạc bản đồ có trên 300 cán bộ.

*Nhịêm vụ chính trị của ngành giai đoạn này là thực hịên Quyết định số 201/QĐ-CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc “ thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước”, Với 7 chức năng quản lý nhà nước gồm:

- Điều tra khảo sát và phân bổ các loại đất.

- Thống kê, đăng ký đất

- Quy hoạch sử dụng đất

- Giao đất thu hồi đất, trưng dụng đất

- Thanh tra kiểm tra việc chấp hành các chế độ thể lệ về quản lý sử dụng đất

- Giải quyết tranh chấp về đất

- Quy định các chế độ thể lệ để quản lý việc sử dụng đất và tổ chức thực hiện các chế độ thể lệ ấy để quản lý chặt chẽ và thống nhất được đất đai trong cả nước. Đồng thời để xây dựng được những tài liệu cơ bản phục vụ cho công tác quy hoạch các ngành kinh tế cũng như quyết định các chính sách quản lý cho công tác kế hoạch hoá, hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền Bắc, đẩy mạnh cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp ở miền Nam.

Ngay sau khi được thành lập Ban quản lý ruộng đất tỉnh vừa xắp xếp và kiện toàn tổ chức đã tiến hành ngay việc làm thí điểm công tác đo đạc, phân hạng, đăng ký thống kê ruộng đất theo tinh thần chỉ thị 299/TTg. Đến cuối năm 1982 đã chỉ đạo hoàn thành 3 xã thí điểm việc đo đạc chỉnh lý bản đồ, phân hạng, kê khai ruộng đất là Lộc Hạ (Nam Định), Ninh Thành (Hoa Lư), Hoành Sơn (Xuân Thuỷ) đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chỉ đạo. Tất cả các huyện, thành phố vừa làm điểm vừa tiến hành triển khai nhân ra diện rộng để thực hiện từng nội dung trong 3 nội dung của chỉ thị 299/TTg.

Qua việc triển khai thực hiện Quyết định 201/QĐ-CP và Chỉ thị 299/CT-TTg ý thực chấp hành pháp luật đất đai của cán bộ, nhân dân các cơ quan tổ chức sử dụng đất được nâng lên đáng kể. Hầu hết các vi phạm chính sách pháp luật về đất đai ở các xã, HTX đã bị phát hiện như giao cấp đấi trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công ... qua việc kê khai, thống kê kiểm kê đất đai.

Đến hết năm 1985 toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc đo đạc chỉnh lý bản đồ, phân hạng ruộng đất. Qua đo đạc chỉnh lý bản đồ và kê khai đất đai ở mỗi xã đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm chính sách đất đai, Ban quản lý ruộng đất đã ban hành văn bản hướng dẫn phân ra 4 loại hộ sử dụng đất để lập phương án xử lý do UBND huyện, thành phố hiệp y với Ban quản lý ruộng đất trước khi ra quyết định phê duyệt phương án xử lý để cấp xã tổ chức thực hiện, nội dung các phương án xử lý có phần diện tích đất được hợp thức hoá quyền sử dụng đất hoặc một phần diện tích phải  thu hồi lại do sử dụng không hợp lý, truy thu tiền về  cho ngân sách.

*Với những thành tích đã đạt đựơc trong giai đọan này, ngành QLRĐ tỉnh Hà Nam Ninh đã đựơc Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba (là phần thưởng cao quý đầu tiên của nhà nước cho ngành QLRĐ).

Trên mặt trận nông nghiệp, cơ chế khoán sản phẩm thực hịên theo tinh thần Chỉ thị 100/CT- TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư, sau một thời gian phát  huy tác dụng đã bộc lộ những hạn chế : về cơ bản mô hình HTX vẫn dựa trên sở hữu tập thể, quản lý tập trung, phân phối thống nhất theo chế độ công điểm đã làm triệt tiêu động lực của nông dân ; xã viên nợ đọng sản phẩm tăng lên, một số nông dân trả bớt ruộng khoán, lương thực nhà nước huy động ngày càng giảm. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ban kinh tế TW, tỉnh Hà Nam Ninh tiến hành giao một phần đất nông nghiệp cho các hộ để làm kinh tế gia đình. Theo Quyết định 1087/QĐ-UB của UBND tỉnh thực chất là điều chỉnh lại tiêu chuẩn đất 5% trên cơ sở xem xét sổ nhân khẩu hiện tại của từng hộ gia đình.

Ban QLRĐ và đo đạc bản đồ đựơc UBND tỉnh giao hướng dẫn thực hiện Quyết định 1087/QĐ-UB của UBND tỉnh và toàn tỉnh cơ bản hoàn thành trong năm 1987. Với những kết quả đã đạt được, lần thứ hai ngành QLRĐ và ĐĐBĐ tỉnh được thưởng Huân Chương lao động hạng hai vào cuối năm 1987 ; 04 cá nhân được Tổng công đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo và được Nhà nước thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1985 (thưởng cho giai đoạn 1980-1985).

*Tổ chức bộ máy:

Ở tỉnh có Ban quản lý ruộng đất và đo đạc bản đồ gồm 2 khối: Văn phòng Ban và Đoàn đo đạc trực thuộc Ban.

+ Khối văn phòng Ban với chức năng quản lý nhà nước về đất đai gồm 4 phòng và 2 bộ phận trực thuộc : Phòng Tổ chức hành chính, Thanh tra, Điều tra cơ bản - Bản đồ, Đăng ký thống kê, Bộ phận Tổng hợp kế hoạch và bộ phận Giao đất

+ Đoàn đo đạc với chức năng nhiệm vụ là đo đạc, chỉnh lý bản đồ với lực lượng chủ yếu là nhân viên kỹ thuật viên hình thành 1 số phòng, bộ phận trực thuộc Đoàn. Lực lượng sản xuất được biên chế thành các đội tổ.

- Ở huyện có bộ phận quản lý ruộng đất trực thuộc huyện, ở thành phố Nam Định có Phòng nhà đất.

- Ở  mỗi xã, thị trấn có 01 cán bộ quản lý ruộng đất.

- Ở mỗi HTX nông nghiệp có 01 cán bộ theo dõi về ruộng đất

GIAI ĐOẠN 1988 - 12/1996

Ngày 29/12/1987 Quốc hội thông qua Luật Đất đai đầu tiên của nước ta (thường đựơc gọi là Luật đất đai năm 1988). Đây là một trong những sắc luật quan trọng đầu tiên được ban hành trong thời kỳ đối mới, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước ta trong việc quản lý đất đai bằng luật pháp. Các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai đã được thể chế hoá bằng pháp luật.

Ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về “đổi mới quản lý nông nghiệp” trong đó quan trọng nhất là “tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động và đến tổ đội sản xuất” và diện tích đất khoán (gọi tắt là khoán 10) là nền tảng để giao đất sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ nông dân.

Ngày 13/4/1988 UBND tỉnh có Quyết định sáp nhập Ban Quản lý ruộng đất và đo đạc bản đồ vào Sở Nông nghiệp và đổi tên thành Chi cục Quản lý đất đai. Ở huyện bộ phận Quản lý ruộng đất được sáp nhập và trực thuộc phòng Nông nghiệp. Ở xã, phường, thị trấn có 01 chức danh cán bộ quản lý ruộng đất.

*Nhiệm vụ chính trị: Toàn ngành trong giai đoạn này là tiếp tục hoàn thịên củng cố hệ thống hồ sơ địa chính sau khi thực hịên Chỉ thị 299/CT-TTg, tiến hành đo đạc, chỉnh lý bản đồ theo QĐ số 924/QĐ-UBND để cấp GCNQSDĐ khu dân cư; tiến hành thí điểm công tác quy hoạch sử dụng đất cấp xã làm cơ sở cho việc giao đất (chủ yếu vào mục đích làm nhà ở) và thực hiện toàn dịên các công việc về quản lý nhà nước đối với đất đai như: thống kê  đất đai, thanh kiểm tra, giao đất ở và đất xây dựng cơ bản.

Một trong những công việc quan trọng của ngành trong thời kỳ này là thực hịên mô hình quản lý đất đai toàn diện tại huyện Nam Ninh theo chương trình đầu tư thí điểm của Tổng cục địa chính từ khâu đo đạc lưới địa chính, Bản đồ địa chính có toạ độ đến quy hoạch, lập hồ sơ sổ sách địa chính, cấp GCNQSDĐ (do công việc quá phức tạp nên thời gian kéo dài hơn dự kiến, đến đầu năm 1996 mới tổng kết mô hình).

Giai đoạn 1991-1993 Toàn ngành tập trung tham gia thực hịên 2 nhiệm vụ lớn, đó là: Lập hệ thống hồ sơ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị số 364/CT-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng và giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định số 115/QĐ-UB ngày 15/2/1991 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh.

*Tổ chức bộ máy:

- Ở tỉnh : Chi cục Quản lý đất đai trực thuộc Sở nông nghiệp có tổ chức bộ máy và cán bộ ổn định như Ban QLRĐ giai đọan trước năm 1988, gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính, Đăng ký thống kê, Thanh tra, Điều tra cơ bản, Bộ phận Giao đất, bộ phận Kế hoạch tổng hợp.

- Cấp huyện: Bộ phận quản lý ruộng đất trực thuộc UBND huyện (trước năm 1988) được sáp nhập vào phòng Nông nghiệp và không còn con dấu cũ, việc giao dịch, xác nhận, ... đựơc sử dụng con dấu của phòng Nông nghịêp (đây là thời kỳ khó khăn đối với ngành ở cấp huyện).

- Cấp xã: mỗi xã, phường, thị trấn có 01 cán bộ ruộng đất.

Ngày 01/4/1992 tỉnh Ninh Bình được tái lập (tách ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh sau 16 năm sát nhập) ; Lực lượng cán bộ Chi cục quản lý đất đất Hà Nam Ninh có 27 cán bộ (hầu hết là số cán bộ quê ở Ninh Bình, Ý Yên) được điều chuyển về Ninh Bình, đây là lực lượng nòng cột của Chi cục Quản lý Đất đai tỉnh Ninh Bình.

Luật Đất đai năm 1993 được ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan địa chính ở địa phương, căn cứ Luật Đất đai, ngày 09/6/1993 UBND tỉnh có Quyết định số 479/QĐ - UB chuyển Chi cục Quản lý Đất đai thuộc Sở Nông nghiệp về trực thuộc UBND tỉnh , một năm sau ngày 03/6/1994 UBND tỉnh có Quyết định số 468/QĐ - UB về việc đổi tên Chi cục Quản lý Đất đai Nam Hà thành Sở Địa chính Nam Hà (thực chất là thành lập Sở Địa chính)  có 7 phòng chuyên môn (Đăng ký thống kê, thanh tra, tổ chức tổng hợp, hành chính, kế hoạch quy hoạch, giao đất và thu hồi đất, đo đạc bản đồ), bộ phận kế toán tài vụ và các đơn vị trực tiếp sản xuất gồm Xưởng lưu trữ và công nghệ địa chính, xưởng bản đồ, các tổ đo đạc. Ở cấp huyện cuối năm 1993 tách Bộ phận QLRĐ huyện ra khỏi Phòng nông nghiệp thành lập Quản lý đất đai trực thuộc UBND huyện (đây là bước quá độ chuẩn bị cho thành lập Phòng địa chính sau này). Cuối năm 1994 các Phòng địa chính trực thuộc UBND các huyện được thành lập.

Đây là thời kỳ toàn ngành đi vào thực hiện Luật Đất đai năm 1993, luật Đất đai quy định nội dung quản lý Nhà nước về đất đai, bao gồm: Điều tra khảo sát đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính; Quy hoạch và kế hoạch hóa việc sử dụng đất; ban hành các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng đất và tổ chức thực hiện các văn bản đó; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất ; đăng ký đất đai, lập và quản lý sổ địa chính,quản lý các hợp đồng sử dụng đất, thống kê kiểm kê đất, cấp GCNQSDĐ; Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý SDĐ; Giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai. Những nội dung quản lý Nhà nước về đất đai theo Luật cũng chính là những công việc trọng tâm mà ngành tổ chức thực hiện trong thời kỳ này.

Đến thời điểm 31/12/1996 kết thúc hoạt động của tỉnh Nam Hà, tái lập lại 2 tỉnh (Nam Định, Hà Nam) toàn ngành đã đạt được một số kết quả quan trọng :

- Là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về đo đạc lưới địa chính và bản đồ địa chính có toạ độ (đo vẽ xong hệ thống lưới toạ độ địa chính cấp cơ sở, cấp I, cấp II và lưới thuỷ chuẩn các cấp ở 4 đơn vị cấp huyện: Nam Ninh, Xuân Thuỷ, Hải Hậu, TP Nam Định; Đo vẽ lập bản đồ địa chính chi tiết (có toạ độ) ở 78 xã trong tổng số 225 xã, thị trấn của tỉnh Nam Định. Hệ thống lưới toạ độ đã xác lập không chỉ phục vụ cho đo vẽ bản đồ địa chính có toạ độ mà còn phục vụ cho công tác khảo sát thiết kế của các ngành kinh tế kỹ thuật khác ;

- Là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống hồ sơ địa giới hành chính theo Chỉ thị số 364/CT-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng;

- Cơ bản hoàn thành vịêc điều chỉnh, xử lý quỹ đất dự trữ khi giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân;

- Hoàn thành xây dựng mô hình điểm về quản lý đất đai toàn diện tại huyện Nam Ninh;

- Lập hồ sơ địa chính để cấp GCNQSDĐ dân cư đựơc 97 xã, đạt 46%  tổng số xã, thị trấn trong toàn tỉnh;

- Rà soát bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp xã xong 205/210 xã, thị trấn.

- Là tỉnh làm tốt công tác kiểm kê đất đai năm 1995, là tỉnh đầu tiên trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm (lúc đó chưa có kế hoạch SDĐ 5 năm) và cũng là tỉnh đầu tiên xây dựng điểm về QHSDĐ cấp huyện (tại huyện Nam Ninh), qua làm điểm giúp Tổng cục địa chính rút ra quy trình kinh nghiệm để chỉ đạo mở rộng ra toàn quốc sau này.

Với những thành tích, kết quả to lớn trong giai đọan này, Sở Địa chính Nam Hà vinh dự đựơc Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vào năm 1995

GIAI ĐOẠN 1997 - 4/2003

Năm 1997 là năm đầu tiên thực hịên nhịêm vụ của ngành địa chính tỉnh Nam Định (sau chia tách). Ngay từ đầu năm, để chuẩn bị cho hoạt động của ngành trong thời kỳ mới, căn cứ  vào văn bản số 23/CV-BCS ngày 20/11/1996 của Ban cán sự Đảng Tổng cục Địa chính về phương án kế hoạch ngành năm 1997 và ý kiến chỉ đạo của đ/c Bí thư Tỉnh uỷ Trần Minh Ngọc, Sở Địa chính đã xây dựng và tổ chức thực hiện đề án "tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định", với những nội dung chính của Đề án là:

1. Từng bước và đi đến hoàn thiện việc lập lại trật tự, kỷ cương phép nước trên mọi lĩnh vực về quản lý và sử dụng đất ở từng cấp, từng ngành và tất cả các chủ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Đưa pháp luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống hơn nữa nhằm phục vụ có hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Từng bước đi đến hoàn thiện việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, thực hiện nghiêm túc việc khai báo đăng ký biến động đất đai cả về xã hội và tự nhiên bao gồm: Chuyển chủ sử dụng đất, chuyển mục đích, chuyển dịch vị trí, kích thước từng thửa đất, cập nhập thường xuyên để đảm bảo cho "điền luôn cập bạ" thực hiện từ dưới lên trên (xã, huyện, tỉnh) định kỳ hàng quý, hàng tháng tiến tới hàng tuần và từng ngày trên hệ thống hồ sơ địa chính và ngoài thực địa.

3. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ địa chính, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý đất đai theo hướng hiện đại hoá, tự động hoá, từ khâu điều tra đo đạc cơ bản đến xây dựng hồ sơ địa chính và lưu giữ tài liệu, phấn đấu 5-7 năm nữa sẽ thực hiện đựơc việc nối mạng máy tính từ tỉnh đến huyện, xã, bảo đảm lượng thông tin hàng ngày cả các mặt hoạt động của ngành địa chính; Giữ vững và phát huy lá cờ đầu của ngành địa chính trong toàn quốc về công tác sự nghịêp khoa học, thực hiện thật tốt trung tâm chuyển giao công nghệ của đồng bằng bắc bộ (theo chương trình dự án SIDA do Thuỵ Điển tài trợ mà Tổng cục địa chính đã lựa chọn), phấn đấu là trung tâm dẫn đầu về nghiên cứu khoa học  và chuyển giao công nghệ trong 9 trung tâm của cả nước.

4. Mạnh dạn đổi mới công tác, tổ chức và cán bộ trong toàn ngành, kết hợp hài hoà giữa đào tạo và thay thế với một quy hoạch thực sự mang nội dung cách mạng và khoa  học, để đảm bảo đủ sức tiếp thu vận hành và phát huy tác dụng của các trang thiết bị máy móc hiện đại. Phấn đấu đến năm 2005 có 100% công chức hành chính (trừ những người làm công tác dịch vụ) của ngành địa chính (văn phòng Sở và phòng địa chính các huyện, TP) có trình độ đại học và trên đại học; khối sự nghiệp và màng lưới địa chính cấp xã đạt 100% có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó có 20-30% có trình độ đại học.

Cuối năm 1997 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 53/CT-UB với nội dung trọng tâm là chỉ đạo giải quyết tồn tại cũ trong việc vi phạm thẩm quyền giao đất của các xã, thị trấn từ năm 1996 về trước và toàn ngành tập trung thực hiện công việc này.

Năm 1998,1999 tập trung xử lý tồn tại theo Chỉ thị 53/CT-UB. Việc thực hiện Chỉ thị 53 đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết những tồn tại về giao cấp đất trái thẩm quyền, thu tiền sai quy định, có những huyện đã ngăn chặn được bùng phát vấn đề an ninh nông thôn nhờ làm tốt Chỉ thị 53 như Xuân Trường, Ý Yên, ...

Năm 2000 ngoài những công việc thường xuyên về quản lý nhà nước, ngành tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ lớn, đó là:

-Tổng kiểm kê đất đai năm 2000, do đựơc chuẩn bị kỹ và đội ngũ cán bộ ngành được tăng cường về số lượng và chất lượng và là tỉnh có hệ thống hồ sơ tài liệu khá đầy đủ, với sự chỉ đạo có hiệu quả nên công việc được hoàn thành sớm nhất cả nước.

-Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo dự án đựơc Tổng cục địa chính đầu tư, công việc được tiến hành khẩn trương nên cơ bản hoàn thành trong năm 2000.

Vào cuối năm 2000 thực hiện việc tinh giảm các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện nên phòng địa chính ở cấp huyện lại sáp nhập vào phòng nông nghiệp (Riêng 2 huyện Giao thuỷ và Ý Yên không sáp nhập).

Từ năm 2001-2003, toàn ngành thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001 với 7 chức năng quản lý nhà nước về đất đai; nhịêm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn này là: tiếp tục lập hồ sơ cấp GCNQSD đất khu dân cư, đất nông nghiệp; lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ ở 3 cấp và tiến hành “dồn điền đổi thửa” đất nông nghịêp.

Ngay sau khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68 về quy hoạch, kế hoạch SDĐ (quy định cụ thể ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã). Đây là Nghị định đầu tiên về công tác này, là cơ sở để quản lý đất đai ngày càng hiệu quả (Nhà nước quản lý đất đai theo quy hoạch và kế hoạch). Tháng 2/2002 chính thức triển khai  dự án quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp huyện, cấp xã, kinh phí từ ngân sách của tỉnh. Với đội ngũ cán bộ khá đông về số và chất lượng nên cuối năm 2003 toàn  bộ quy hoạch, kế hoạch SDĐ ở cả 3 cấp (tỉnh, 10 huyện, thành phố và 203 xã, thị trấn) đã hoàn thành. Nam Định là một trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác lập quy họach kế hoạch SDĐ.

Cấp GCNQSDĐ  nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân được tập trung cao nên năm 2001 cơ bản hoàn thành (tổng 41 vạn hộ). Năm 2002 toàn tỉnh tổ chức tổng kết công tác cấp GCNQSDĐ sau khi giao ruộng cho hộ nông dân, song thực hịên Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ về công tác “dồn điền đổi thửa” trong sản xuất nông nghiệp, toàn ngành lại tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện và đến tháng 6/2004 đã hoàn thành, đạt đựơc mục tiêu quan trọng là:quy gọn diện tích đất công, đất công ích để đưa vào quản lý, khai thác có hiệu quả, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy tác dụng việc quy hoạch SDĐ trong vịêc dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả sản xuất, từng bước đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Song lại một thách thức to lớn đối với ngành trong việc cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp bởi vì với 42 vạn hộ vừa được cấp GCNQSDĐ nay giữa giấy chứng nhận với thực địa đã thay đổi mới hoàn toàn sau dồn điền đổi thửa

Từ năm 2001, Sở lập dự án cấp GCNQSD đất ở khu vực dân cư nông thôn và thị trấn với mức đầu tư  6 tỷ đồng, trong dự án đã tính toán cụ thể địa bàn phải đo đạc bản đồ địa chính mới, địa bàn đo khu dân cư, địa bàn thực hịên chỉnh lý bản đồ và đựơc UBND tỉnh phê duyệt vì vậy việc lập hồ sơ cấp GCNQSD đất ở  với một hệ thống hồ sơ tương đối đồng bộ.

Với những kết quả to lớn của ngành và sự đóng góp quan trọng của cá nhân đồng chí Lê Quang Chức - Giám đốc Sở (Giai đoạn 1997-2003) được nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng 3.

GIAI ĐOẠN 2003-2010

Ngày 30/5/2003 Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định được thành lập theo quyết định số 1462/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh, trên cơ sở tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ của Sở Địa chính và tiếp nhận tổ chức, nhiệm vụ về quản lý Môi trường từ Sở khoa học, Tài nguyên Khoáng sản từ Sở Công nghiệp và Tài nguyên nước từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngay sau khi đựơc thành lập toàn ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung năm 1998, 2001 đồng thời tiếp cận và thực hiện Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản. Về đất đai những năm 2003-2005  nhiệm vụ trọng tâm là: cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất; tập trung thực hiện dự án  quy hoạch, kế hoạch SDĐ đến năm 2010, đối với cấp huyện, cấp xã; kiểm kê đất đai năm 2005, thu hồi đất GPMB thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh (khu công nghiệp Hoà Xá, khu đô thị mới Thống Nhất và Mỹ Trung, ...) và kiện toàn bộ máy.

Sở Tài nguyên và Môi trường có 7 phòng chức năng và 5 đơn vị sự nghịêp: phòng Môi trường, phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và KTTV, phòng Hành chính - Tổng hợp, phòng đo đạc bản đồ, phòng Đăng ký đất đai, phòng Quy hoạch - kế hoạch, Thanh tra, Trung tâm Quan trắc PTTNMT, Trung tâm KTCNĐC, Trung tâm Thông tin TNMT, Trung tâm Phát triển qũy đất, Văn phòng Đăng ký QSDĐ và Trung tâm giao dịch hành chính theo cơ chế một cửa (tại đây đã công khai tất cả các thủ tục hồ sơ, quy trình giải quyết cũng như các khoản phí và lệ phí theo quy định).

Ở 10 huyện, thành phố đã thành lập phòng Tài nguyên và Môi trường (trên cơ sở bộ phận, Phòng địa chính cũ);  Ở cấp xã có cán bộ địa chính - xây dựng. Những năm 2003 - 2005 với việc hoàn thành lập hồ sơ quy hoạch kế hoạch SDĐ đồng bộ ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và thực hiện kế hoạch SDĐ hàng năm do UBND tỉnh phê duyệt, việc quản lý sử dụng đất đai theo quy họach, kế hoạch đã từng bước đi vào nề nếp. Nguồn lực đất đai đã góp phần đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bình quân mỗi năm thu trên 200 tỷ đồng cho ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Với sự phát triển và đóng góp của ngành đối với tỉnh nhà, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2001 - 2005 lần đầu tiên ngành Địa chính có nhân sự để giới thiệu vào BCH Đảng bộ tỉnh và đồng chí Phó Giám đốc Sở đã trúng cử.

Có thể nói từ năm 2003 - 2005 toàn ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã phát triển toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực của ngành, ngoài ra việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai đã có những bước phát triển như  ứng dụng công nghệ thông tin để lập và quản lý hệ thống hồ sơ sơ địa chính bằng phần nềm Cilis của các xã, thị trấn, ứng dụng công nghệ số trong việc đo đạc lập bản đồ; số hoá bản đồ, ...trình độ tin học của cán bộ đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Năm 2004, đựơc sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án xây dựng trụ sở làm việc, với một năm khẩn trương thi công trụ sở đã hoàn thành và đi vào sử dụng, cơ sở vật chất được đầu tư ngoài việc hoàn thành trụ sở làm việc, toàn ngành đã có trên 100 bộ máy vi tính cùng với hàng chục máy phôtô coppy, hàng chục máy đo đạc điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả lao động của toàn thể cán bộ trong toàn đơn vị.

Năm 2006 bước sang thời kỳ thực hịên nhiệm vụ 5 năm (2006 - 2010) với chức năng, nhiệm vụ của Sở, là một Sở đa ngành (gồm các lĩnh vực : Địa chính, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thuỷ văn), hoạt động  và chịu sự điều chỉnh của 5 Luật (Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật đa dạng sinh học) và hàng trăm Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Khối lượng công việc thuộc trách nhiệm của ngành rất lớn, tính chất công việc lại phức tạp, đặc biệt là lĩnh vực địa chính, trong những năm sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành đến nay, hàng loạt các chủ trương, chính sách quan điểm quản lý và sử dụng đất đai thường xuyên có sự thay đổi và điều chỉnh, trong đó có nhiều nội dung chính sách hướng tới việc tăng quyền, bảo vệ quyền của người sử dụng đất (nhằm tiếp cận dần với quan điểm sử dụng đất đai của các nước phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế).

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên nêu trên, trong thời kỳ này Sở TNMT còn thực hiện hiệu quả 3 dự án hợp tác quốc tế là: Dự án quản lý tổng hợp ven bờ do Chính phủ Hà Lan tài trợ đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt chiến lược quản lý tổng hợp dải ven bờ tỉnh Nam Định ; dự án quản lý chất thải nguy hại do Chính phủ Thuỵ sỹ tài trợ; dự án điều tra quản lý tài nguyên nước và hàng chục dự án khác do các chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ tài trợ.

Trong giai đọan này, lực lượng cán bộ quản lý của Sở chủ trì 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được đánh giá đạt loại xuất sắc đó là: đề tài đánh giá thực trạng và giải pháp quản lý quỹ đất công ích của tỉnh; đề tài ứng dụng công nghệ GIS trong việc lập và quản lý hồ sơ địa chính từ cấp xã đến tỉnh; đề tài khảo sát đánh giá trữ lượng cát trên các tuyến sông thuộc tỉnh

 Năm 2006 đã tập trung cao hoàn thành việc lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và rà soát, thống kê việc sử dụng đất của các tổ chức theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết năm 2008 trên địa bàn  tỉnh Nam Định có 3868 đơn vị sử dụng đất (trong đó: cơ quan hành chính, sự nghịêp là 1662; tổ chức kinh tế là 748; cơ sở Tôn giáo là 1458).  Với 7894 khu đất sử dụng (cơ quan hành chính, sự nghịêp là 4080; tổ chức kinh tế là 1589; cơ sở Tôn giáo là 2225) có tổng dịên tích là 17.145,22 ha và đến nay đã cấp được trên 2000 giấy chứng nhận cho các tổ chức.

Trong giai đoạn 2006-2010, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cao cho công tác lập hồ sơ, cấp GCNQSD đất ở cả khu vực nông thôn và thành thị; Đến nay toàn tỉnh đã  cơ bản cấp xong GCNQSD đất ở, tỷ lệ cấp giấy đạt trên 95%, đặc biệt khu vực thành phố Nam Định từ năm 2003 đến nay lần đầu tiên đã xây dựng được hệ thống bản đồ địa chính có toạ độ tỷ lệ 1/200 và 1/500, tất cả các thửa đất đều được lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất phục vụ công tác quản lý. Từ kết quả đo đạc thành phố đã cấp GCNQSDĐ cho trên 90% số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Tổ chức thực hiện lập hồ sơ quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm (2011 - 2015) ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); thực hiện việc kiểm kê đất 5 năm (2005 - 2010) và xây dựng bản đồ hịên trạng SDĐ năm 2010 của tỉnh.

*Về tổ chức bộ máy: Cuối năm 2008 UBND tỉnh quyết định kiện toàn bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở TNMT theo Thông tư số liên tịch số 03/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2008 gồm 13 đơn vị trực thuộc Sở, trong đó có 7 phòng chuyên môn, nghịêp vụ (Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Đo đạc và đăng ký đất đai, phòng Quy hoạch và xây dựng giá đất, phòng Biển, phòn Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thuỷ văn), Chi cục Bảo vệ môi trường và 5 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Quan trắc PTTNMT, Trung tâm KTCNĐC, Trung tâm Thông tin TNMT, Trung tâm Phát triển qũy đất, Văn phòng Đăng ký QSDĐ) lực lượng cán bộ công chức, viên chức của Sở TNMT hiện nay thường xuyên gần 400 người, trong đó lực lượng công tác và sinh hoạt trong lĩnh vực địa chính là trên 300 người, với đội ngũ cán bộ có trình độ đại học trên 200 người; cấp huyện có phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký QSDĐ cấp huyện trực thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường; Cấp  xã có cán bộ địa chính - xây dựng.

GIAI ĐOẠN 2011- 2015

*Về tổ chức bộ máy: Năm 2011 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 22/11/2011về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục Biển trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo Thông tư liên tịch số 26/2010/TTLT-BTNMT-BNV ngày 05/11/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Do đó, gồm 13 đơn vị trực thuộc Sở, trong đó:

- 6 phòng chuyên môn, nghịêp vụ (Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, phòng Kế hoạch Tài chính, phòng Đo đạc và đăng ký đất đai, phòng Quy hoạch Kế hoạch, phòng  Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thuỷ văn) ; 02 Chi cục, gồm : Chi cục Bảo vệ môi trường và Chi cục Biển ; 05 đơn vị sự nghiệp, gồm : Trung tâm Quan trắc phân tích Tài nguyên Môi trường, Trung tâm Kỹ thuật và công nghệ địa chính, Trung tâm công nghệ Thông tin, Trung tâm Phát triển qũy đất và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.

GIAI ĐOẠN 2015-2022

Căn cứ Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 về việc thành Lập Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố.

Ngày 28/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39/2015/QĐ-UB về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có 14 đơn vị trực thộc Sở gồm: 07 phòng quản lý nhà nước, 02 Chi cục và 05 đơn vị sự nghiệp, cụ thể: Văn phòng Sở; Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Đo đạc và Đăng ký đất đai; Phòng Quy hoạch – Kế hoạch; Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản; Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Chi cục Bảo vệ môi trường; Chi cục Biển.Các đơn vị sự nghiệp công lập:Văn phòng Đăng ký đất đai; Trung tâm Phát triển quỹ đất; Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường; Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường;Trung tâm Kỹ thuật và công nghệ địa chính.

Thực hiện sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo Nghị định số107/2020/NĐ-CP ngày 14/09/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-PC ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành ban hành Quyết định số 41/2021/QĐ-UBND ngày 27/9/2021 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có 12 đơn vị trực thuộc Sở gồm: 05 phòng quản lý nhà nước, 01 Chi cục và 05 đơn vị sự nghiệp, cụ thể: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Đo đạc, đăng ký và Kinh tế đất; Phòng Quy hoạch; Kế hoạch đất đai; Phòng Tài nguyên Nước và Khoáng sản; Phòng Biển, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Chi cục Bảo vệ môi trường; Văn phòng Đăng ký đất đai (với 10 Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thành phố trực thuộc); Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ địa chính; Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường; Trung tâm Thông tin, dữ liệu và Phát triển quỹ đất; Trung tâm Ứng dụng phát triển công nghệ môi trường. Những chức năng nhiệm vụ chính của Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác về tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi, thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Dự thảo kế hoạch dài hạn, 05 năm, hàng năm, các chương trình, đề án, dự án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Dự thảo quyết định việc phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đối với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường; dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;

đ) Dự thảo quyết định thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công về tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.

2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quyhoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về tài nguyên và môi trường sau khi được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.

4. Quản lý, tổ chức giám định, đăng ký, cấp giấy phép, văn bằng chứng chỉ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và các dịch vụ công về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật