Việt Nam có 9 triệu ha đất bị hoang mạc hoá
Theo Cục Lâm nghiệp, hiện Việt Nam có khoảng 9 triệu ha đất bị hoang hoá, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc, trong đó có 2 triệu ha đất đang sử dụng bị thoái hóa nặng.
Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000ha và ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 43.000 ha.

Theo thống kê của FAO và UNESCO, Việt Nam có khoảng 462.000ha cát ven biển, chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc, trong đó có 87.800ha là các đụn cát, đồi cát lớn di động. Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hoá càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị xâm hại, tình trạng khô hạn hoành hành ở một số nơi, nhất là ở miền Trung, Tây Bắc và Tây Nguyên, cũng là một trong những nhân tố chính làm tăng diện tích đất hoang hoá, sụt giảm hệ sinh thái vùng đầu nguồn và gia tăng tình trạng ô nhiễm nước.

Việt Nam đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng nhiều vùng đất bị hoang mạc hoá với việc triển khai cùng lúc Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và Chương trình quốc gia về tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo.

Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của nhiều tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn tình trạng hoang mạc hóa. Hiện Việt Nam đang xây dựng Chương trình đối tác quản lý đất lâm nghiệp bền vững, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Môi trường Toàn cầu và Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp, nhằm bảo vệ và duy trì độ màu của đất lâm nghiệp.