Tiềm năng đất đai của Nam Định
Đất đai là tài nguyên Quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, địa bàn xây dựng và phát triển dân sinh, kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh. Vai trò của đất đai đối với con người và các hoạt động sống trên trái đất rất quan trọng, nhưng lại giới hạn về diện tích và cố định về vị trí. Hiện trạng quỹ đất đang sử dụng và tiềm năng để khai thác quỹ đất của tỉnh Nam Định cụ thể như sau

Điều kiện tự nhiên.
 Nam Định là tỉnh  ở phía Nam châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Thái Bình và Hà Nam, phía Tây  và Tây Nam giáp Ninh Bình, phía Đông và Nam giáp biển Đông. Trung tâm kinh tế,  chính trị văn hóa của tỉnh là thành phố Nam Định, cách Hà Nội 90 km.
 Tỉnh Nam Định có  bờ biển dài 72 km, nối tiếp với hai cửa biển và hai dòng sông lớn là sông Hồng  và sông Đáy, vì vậy Nam Định có một tầm quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch.
 Địa hình của  tỉnh chủ yếu là vùng đồng bằng chiêm trũng, vùng đồng bằng ven biển, bãi bồi cồn cát lượn sóng. Ngoài ra, còn có vùng đồi núi và nửa đồi núi. Tỉnh có 2 hệ thống sông lớn là sông Hồng, sông Đáy và nhiều sông nhỏ khác giúp cho giao thông đường thủy rất thuận lợi. Hệ thống đường bộ, đường sắt tương đối phát triển. Đất đai có độ phì nhiêu cao thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Dọc bờ biển có tới 5 cửa sông, có rất nhiều bãi cá lớn, có 2 cảng lớn là cảng sông Nam Định và cảng biển Hải Thịnh.
 Khí hậu nhiệt đới chia 2 mùa: mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình khoảng 23°c. Nam Định là tỉnh có tiềm năng về trồng cây lương thực, kinh tế biển, nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
  Trên thềm lục địa bờ biển Nam Định còn có nhiều khả năng khai thác các nguồn tài nguyên quý giá khác. Nam Định là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch. Những di tích lịch sử của tỉnh đồng thời là danh lam thắng cảnh. Đến Nam Định, du khách sẽ có dịp đến thăm khu di tích đời Trần, chùa Tháp Phổ Minh, chùa Cổ Lễ, Phủ Giày,...Vùng biển của tỉnh có bãi tắm Thịnh Long, sân chim cồn Lu, cồn Ngạn, nơi quy tụ nhiều loại chim hiếm đã được các nhà sinh học nổi tiếng về đây nghiên cứu.
Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất
 Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Nam Định là 165.145 ha và hàng năm được tăng thêm do bồi lắng ven biển. Về thổ nhưỡng, đất Nam Định chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng đất cổ ở phía Bắc gồm các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; vùng đất trẻ ở phía Nam gồm các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Nhóm đất có diện tích lớn nhất là nhóm đất phù sa trẻ (Fluvisols) chiếm 81,88% diện tích tự nhiên, tiếp đến là nhóm đất mặn chiếm 14,19%, các loại đất khác có đất cát, đất phèn, đất có sản phẩm Feralitic... chiếm diện tích nhỏ. Nhìn chung đất của Nam Định chủ yếu là đất phù sa sông bồi lắng, có nhiều tính chất tốt thích hợp cho nhiều loại thực vật phát triển.
Tài nguyên rừng:
 Toàn tỉnh có 4.240 ha đất lâm nghiệp, chỉ chiếm 2,5% diện tích tự nhiên của tỉnh. Rừng của Nam Định chủ yếu là rừng phòng hộ, cây trồng chính là sú, vẹt, phi lao, bần. 
 Về hệ sinh thái của Nam Định thuộc hệ sinh thái nhiệt đới và á nhiệt đới với hệ thực vật chiếm khoảng 50%, hệ động vật chiếm 40% loài thực vật, động vật của cả nước. Nam Định có khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy (Vườn Quốc gia Xuân Thủy), vùng biển ven bờ có nhiều bãi cá lớn với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm rảo, tôm vàng, cua ...
Tài nguyên biển
 Bờ biển Nam Định dài 72 km, thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Có 3 cửa sông lớn là cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ), cửa Đáy (sông Đáy). Ngoài khơi các cửa sông của Nam Định hình thành nhiều bãi cá,bãi tôm lớn của vịnh Bắc Bộ (bãi cá ngoài khơi từ cửa Ba Lạt đến Hải Phòng; bãi cá từ cửa Ba Lạt đến ngang Lạch Trường- Thanh Hoá; bãi tôm từ cửa Ba Lạt đến ngoài khơi đảo Cát Bà- Hải Phòng).
 Nguồn lợi thuỷ sản vùng biển Nam Định có thời gian sản xuất quanh năm nhưng không thuận lợi như các vùng biển khác của cả nước, thường bị gián đoạn bởi các cơn bão, gió mùa Đông Bắc mạnh, mỗi năm thường khai thác được từ 180-240 ngày trên biển.
 Ven biển Nam Định có những khu rừng ngập mặn thu hút nhiều loài chim trên thế giới đến trú đông, ước tính đến 30.000 con. Khu bảo tồn thiên nhiên Giao Thuỷ rộng 120 km2, đã được thế giới công nhận là khu bảo vệ theo công ước quốc tế Ramsar đầu tiên ở Đông Nam Á.
 Nước biển Nam Định có độ mặn cao, ven biển có nhiều cánh đồng muối lớn, tiêu biểu là đồng muối Văn Lý, với sản lượng muối hàng năm  vào loại cao của cả nước.Sóng biển Nam Định không dữ dội, có nhiều bãi tắm lý tưởng, cát trắng mịn như bãi tắm Thịnh Long, Giao Lâm...
 Biển Nam Định nông và bằng phẳng. Độ sâu tăng dần từ trong ra ngoài khoảng 3-100 m. Biển Nam Định mỗi năm lùi ra khoảng 100-200 m, do phù sa sông Hồng bồi đắp ở cửa Ba Lạt, Lạch Giang tạo thêm diện tích khoảng 400 ha/năm. Bình quân mỗi năm quai thêm được 150 ha đất ở cao trình 0,5-0,8 m trở lên.
Quỹ đất đai
  Đất đang sử dụng có 160.927 ha, chiếm 97% diện tích đất tự nhiên (vùng Đồng bằng sông Hồng 88%, cả nước 69%), trong đó đất nông nghiệp có 113.433 ha bằng 68,7% diện tích tự nhiên, đất phi nông nghiệp 47494 ha bằng 28% diện tích tự nhiên. Tất cả các huyện trong tỉnh có diện tích đất đang sử dụng đạt trên 90% so với diện tích tự nhiên. Trong đó có 8 huyện đạt trên 99%, 2 huyện ven biển là Giao Thuỷ đạt 95% và Nghĩa Hưng đạt 94%.
  Đất chưa sử dụng có 4218 ha đất chưa sử dụng, chiếm 2,5% diện tích tự nhiên hầu hết là đất bằng chưa sử dụng (chiếm 97%), phần nhỏ còn lại là đất đồi núi, núi đá không có rừng cây thuộc huyện các huyện Ý Yên, Vụ Bản. Diện tích đất chưa sử dụng chủ yếu thuộc 3 huyện ven biển, đặc biệt vùng Cồn Lu - Cồn Ngạn có trên 1000 ha tập trung, rất thuận lợi cho việc quy hoạch, khai thác, cải tạo.
 Bờ biển Nam Định bị chia cắt khá mạnh mẽ bởi nhiều cửa sông lớn, vùng ven biển nông và bằng phẳng với độ sâu tăng dần từ từ. Biển Nam Định mỗi năm lùi ra khoảng 100-200 m, do phù sa sông Hồng bồi đắp ở cửa Ba Lạt, Lạch Giang tạo thêm diện tích khoảng 300 ha/năm.  
Tiềm năng đất đai cho nông nghiệp
Cho trồng trọt:
  Nam Định là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ. Người dân Nam Định có truyền thống giỏi trồng lúa từ lâu đời, trong những năm gần đây đang dẫn đầu cả nước về chuyển đổi cơ cấu giống lúa và mùa vụ. Đặc biệt là giống lúa lai đã được gieo cấy ở tất cả 312 hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh. Các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Ý Yên, Giao Thuỷ, lúa xuân muộn chiếm tới 97% diện tích, lúa lai chiếm tới 50-70% diện tích. Lúa lai đã góp phần quyết định làm cho năng suất lúa Nam Định dẫn đầu cả nước.
 Việc mở rộng đất trồng lúa của Nam Định rất hạn chế, do đất chưa sử dụng của tỉnh chủ yếu nằm ven biển, đất đai bị nhiễm mặn, thích hợp cho trồng rừng phòng hộ và nuôi trồng thuỷ sản.
  Tiềm năng tăng vụ trên đất trồng lúa màu khoảng 45.000-50.000 ha Tiềm năng chuyển đổi cơ cấu giống lúa, đặc biệt là giống lúa đặc sản và lúa chất lượng cao ở các huyện phía nam của tỉnh khá lớn khoảng 35.000-40.000 ha.
 Tiềm năng đất trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày: đây là loại hình sử dụng đất rất đa dạng, có thể thích nghi trên diện rộng khoảng trên 75.000 ha.
 Đất trồng cây lâu năm: có khả năng phát triển trên đất vườn tạp và đất ruộng 1 vụ lúa để trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 5.000-10.000 ha.
Cho nuôi trồng thuỷ sản:
 Nam Định là tỉnh có tiềm năng thuỷ sản lớn trên cả 3 vùng nước mặn, lợ, ngọt. Vùng ngập mặn ven biển có diện tích trên 20.000 ha, có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng thu hoạch hàng năm bao gồm tôm sú 300 tấn/năm, tôm rảo 400 tấn/năm, cua biển 320 tấn/năm, các loại cá bống, cá bớp, rong câu, chỉ vàng có sản lượng hàng trăm tấn.
  Ở vùng cồn bãi xa đất liền, ngư dân dùng lưới quây lại thành những “vuông nuôi” nhuyễn thể, đặc biệt là vạng, vọp, mỗi năm thu hoạch khoảng 5.000 tấn.
 Vùng nước ngọt nội đồng có diện tích 12.000 ha, bao gồm ao, hồ nhỏ trong dân, vùng hồ mặt nước lớn, vùng ruộng chiêm trũng và trên 6.000 ha sông ngòi.  Sản lượng thuỷ sản nước ngọt khoảng 8.000 tấn/năm, với các loại tôm càng xanh, rô phi đơn tính, chép, trôi, trắm, trê lai.
Cho lâm nghiệp:
Diện tích thích nghi cho lâm nghiệp khoảng 12.000-14.000 ha, chủ yếu là trồng rừng phòng hộ ven biển thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Tiềm năng cho phát triển công nghiệp.
 Với vị trí của tỉnh nằm gần khu vực kinh tế tăng trưởng Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh và nhiều trung tâm kinh tế, công nghiệp, du lịch lớn khác nên có nhiều điều kiện tham gia vào sự phân công, hợp tác để hoà nhập quá trình phát triển chung của vùng và cả nước. 
 Nam Định là một trung tâm kinh tế của vùng, tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt, đường bộ và đường thuỷ, từ đây có thể toả đi bất cứ nơi nào trong toàn quốc một cách thuận lợi.
 Nam Định là một trong những tỉnh có ngành công nghiệp phát triển sớm so với các tỉnh trong cả nước, từ thời Pháp thuộc, hàng loạt các nhà máy đã ra đời như nhà máy dệt, máy tơ, máy chai,  máy rượu, máy giấy, máy in, máy nước, máy điện...nhưng tiêu biểu nhất là nhà máy dệt Nam Định, được xây dựng từ năm 1889.
 Nghề thủ công của Nam Định khá phát triển, có khoảng trên 200 nghề, tiêu biểu chế biến nông sản, thực phẩm, nghề rèn, dệt, may, thêu ren, chạm khắc, tiện gỗ, đan lát tre mây, chế tác vàng bạc, dệt chiếu, sơn mài, đục đẽo đá, gốm sứ, trồng cây cảnh...Hiện toàn tỉnh có khoảng 88 làng nghề, 29 làng nghề truyền thống.
 Đất đai dành cho công nghiệp của tỉnh khoảng 1000 - 1.500 ha, về tính chất cơ lý của đất phù hợp cho việc xây dựng các công trình công nghiệp.
 Nguồn lao động của tỉnh khá dồi dào, có trình độ và kinh nghiệm. Tổng số lực lượng lao động toàn tỉnh 1.161 nghìn người  chiếm 62% tổng số dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 45% lực lượng lao động. Số lượng lao động của tỉnh được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng, công nhân kỹ thuật trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng, là nguồn bổ sung lao động quan trọng cho các ngành công nghiệp của tỉnh.
 Tóm lại Nam Định có các điều kiện về địa lý, cơ sở hạ tầng, đất đai, lực lượng lao động cũng như nguồn nguyên liệu để phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, cơ khí, điện, sản xuất vật liệu xây dựng... góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh từ nay đến năm 2020 và xa hơn.
Tiềm năng cho phát triển du lịch-dịch vụ.
 Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như cảnh quan thiên nhiên... Nam Định có nhiều thuận lợi để phát triển ngành du lịch với nhiều loại hình du lịch mũi nhọn như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch câu cá, du lịch văn hóa, lễ hội.
 Nam Định là quê hương của lễ hội và sinh hoạt văn hoá dân gian nổi tiếng, chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch với các tuyến điểm và hình thức du lịch hấp dẫn. Trong hệ thống các di tích lịch sử và địa danh của Nam Định có thể khai thác cho du lịch là các quần thể di tích nhà Trần, Phủ Giầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh, cùng với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc và hàng trăm làng nghề. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có khu du lịch sinh thái vùng ngập mặn Cồn Lu, Cồn Ngạn (Giao Thuỷ), nếu gắn kết với các khu du lịch biển Quất Lâm và Thịnh Long sẽ tạo thành khu du lịch tổng hợp, có khả năng bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.
 Cơ sở vật chất của ngành du lịch  được củng cố, nâng cấp phát triển. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ được trang bị hiện đại có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của du khách trong nước và quốc tế.
Tiềm năng phát triển đô thị và khu  dân cư nông thôn. 
 Thực trạng hệ thống đô thị của Nam Định gồm thành phố Nam Định và 15 thị trấn, phân bố tương đối đều khắp trên địa bàn tỉnh, các đô thị này hiện tại là các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của từng khu vực; là nền tảng cơ sở để hình thành các đô thị có quy mô lớn và hiện đại trong tương lai
 Theo chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong những năm tới tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm từ  13-14%, trong đó giá trị công nghiệp, xây dựng, dịch vụ năm 2015 chiếm 74%. Sự hình thành các  khu công nghiệp, các làng nghề, các khu du lịch, dịch vụ; sự phát triển mạng lưới giao thông liên vùng sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các đô thị. Tiềm năng đất phát triển đô thị của tỉnh khoảng 9.000 - 11.000 ha, bao gồm thành phố Nam Định và 15 thị trấn. Các đô thị, này đất đai có tính chất cơ lý tốt, đủ khả năng xây dựng các ngôi nhà cao tầng và các công trình hiện đại trong tương lai. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành khoảng 30 điểm thị tứ, đây là những tiềm năng cho phát triển đô thị trong tương lai.
 Bên cạnh đó, việc mở rộng thêm đất ở cũng như phát triển các khu dân cư nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu dân sinh là thực tế khách quan không thể tránh khỏi, nhưng cũng cần chú trọng việc xây dựng nhà ở cao tầng (2, 3 tầng), nhằm tiết kiệm đất đai, cũng như bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tập trung, làm tiền đề cho quá trình đô thị hoá nông thôn trên địa bàn tỉnh trong tương lai (nhất là ởcác khu vực trung tâm của các xã).

(Quý độc giả có nhu cầunghiên cứu sâu về tiềm năng đất đai Nam Định xin vui lòng liên hệ với Trung tâm KT – CN Địa chính - số 1A – Trần TếXương – TP. Nam Định. ĐT 03503849349)