Hầu hết các KCN không quy hoạch khu xử lý chất thải rắn
Qua đợt khảo sát tình hình quản lý môi trường các KCN ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vào trung tuần tháng 7 vừa qua, đoàn khảo sát do Cục BVMT (Bộ TN&MT) kết luận. Hầu hết các KCN không thực hiện quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung cho toàn KCN, chưa thiết lập hệ thống thu gom, phân loại, lưu trữ vận chuyển chất thải rắn, chất thải nguy hại...
Các địa phương nằm trong đợt khảo sát gồm Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đoàn khảo sát cũng cho biết, công tác quản lý Nhà nước về BVMT tại hầu hết các KCN chưa chặt chẽ. Vẫn còn những KCN chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chẳng hạn ở Vĩnh Phúc, có 7 KCN đã được Thủ tướng phê duyệt thì chỉ có 2 KCN đã lập báo cáo về vấn đề này. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở sản xuất trong KCN chưa tuân thủ pháp luật về BVMT, mang nặng tính đối phó trong việc xử lý nước thải, khí thải, tự khai thác và sử dụng nước ngầm. Các cơ sở sản xuất trong CCN có công nghệ quá lạc hậu...

Đợt khảo sát này cũng cho thấy, mặc dù các tỉnh, thành đều đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT KCN, điều lệ về quản lý KCN... nhưng hầu hết các BQL đều mắc chung một lỗi là không có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường, nếu có chỉ là cán bộ vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, kiểm tra chất lượng nước đầu ra, đầu vào. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc nếu có thì hệ thống xử lý đã xuống cấp, không vận hành dẫn đến tình trạng quá tải. Riêng KCN Thăng Long (Hà Nội) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng không hoạt động hết công suất.

Sở TN&MT các tỉnh miền Bắc dù đã yêu cầu các KCN phải quan trắc đánh giá tác động môi trường, nhưng tần suất chỉ đạt 50%, trong khi BQL lại không được tham gia trong Hội đồng thẩm định, phê duyệt, cấp giấy xác nhận môi trường cho các dự án đầu tư vào KCN nên việc theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về BVMT gặp nhiều khó khăn. Báo cáo hiện trạng môi trường của doanh nghiệp cũng gửi thẳng lên Sở TN&MT, nên BQL cũng không nắm được thông tin về hoạt động BVMT của các doanh nghiệp trong khu vực mình quản lý.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa Sở TN&MT với BQL KCN không chặt chẽ. BQL KCN không có thẩm quyền xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên và BVMT mà chỉ phát hiện, lập biên bản và đình chỉ việc thi công trái phép đối với các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm, đã tạo khoảng trống để các KCN, KCX bỏ bê công tác BVMT. Một điều nữa là tất cả các KCN đều chưa thiết lập hệ thống thu gom, phân loại, lưu trữ vận chuyển chất thải rắn, chất thải nguy hại mà tự hợp đồng với công ty môi trường đô thị để thu gom và vận chuyển.

Đoàn khảo sát đã đề xuất Bộ TN&MT phân cấp cho BQL KCN thực hiện xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, tổ chức thực hiện thẩm định, trình phê duyệt báo cáo, kiểm soát quan trắc; đưa ra chế tài và các quy định chặt chẽ đối với công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và kiểm soát môi trường tại đây.