Tỉnh Nam Định triển khai thực hiện nhiệm vụ “Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nam Định” thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
Năm 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009; UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 (Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 13/10/2011 của UBND tỉnh) nhằm mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của tỉnh đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống nhân dân, phòng tránh và giảm nhẹ những hiểm họa của BĐKH qua đó đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH.
Tỉnh Nam Định là một trong 16 tỉnh ven biển, chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH là: nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão lốc, hạn hán, ngập lụt, xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh học... Theo Kịch bản BĐKH và NBD của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016, tại Nam Định thì BĐKH đang có xu hướng diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp. Nếu mực nước biển dâng 50cm thì diện tích bị ngập sẽ là 26% diện tích toàn tỉnh, nếu mực nước biển dâng 60cm thì diện tích bị ngập sẽ là 32,5% diện tích, nếu mực nước biển dâng 100cm thì diện tích bị ngập sẽ là 58% diện tích. Quá trình diễn biến xâm nhập mặn do nước biển dâng đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Theo thống kê đất đai năm 2015 của tỉnh thì diện tích đất tự nhiên là 166.853,93 ha, trong đó có 113.335,76 ha đất nông nghiệp. Diện tích đất bị ngập là 34.020 ha; diện tích bị nhiễm mặn nặng và trung bình là 21.241ha. Tình trạng ngập và xâm nhập mặn chủ yếu xảy ra ở những khu vực đất trũng, và khu vực ven biển với 4.667 ha đất bị ngập và 2.363 ha đất bị nhiễm mặn. Độ mặn trong đất ở vụ đông xuân mức trung bình là 0,7 - 3‰, đặc biệt có năm lên đến 8‰,… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển KTXH tại các địa phương.
Để đảm bảo ứng phó hiệu quả với thiên tai và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu hiện nay cho phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ “Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nam Định”  (Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 03/01/2018 của UBND tỉnh). Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nhiệm vụ trên để UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2018. Đồng thời UBND tỉnh cho thực hiện các nhiệm vụ còn lại trong Chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh là “Đánh giá khí hậu tỉnh Nam Định” và “Cập nhật Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH tỉnh Nam Định” trong năm 2019.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các huyện, thành phố giai đoạn 2016-2020 và Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng dẫn số 180/BTNMT-KHTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cũng như thành lập Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu của huyện, thành phố để triển khai nhiệm vụ; Tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân; Chú trọng lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển lĩnh vực trên địa bàn; Phát huy hiệu quả tác dụng của phần mềm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển giao để xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ nguy cơ ngập gây ra bởi nước dâng do bão, siêu bão và những biện pháp ứng phó cho các xã, thị trấn nhất là đối với các xã, thị trấn ven biển; Đẩy mạnh trồng mới, phục hồi, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng trồng phòng hộ ven biển đã có nhằm chống xói lở bờ biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đê biển, phòng, chống thảm họa, thiên tai./.