Ngày 20/8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tại huyện Giao Thủy, cho khoảng 100 học viên là Lãnh đạo và cán bộ các đơn vị thuộc Sở; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giao Thủy; Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; cán bộ Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng - Môi trường các xã, thị trấn, đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn thuộc huyện Giao Thủy.
Dự và chỉ đạo Hội nghị tập huấn có đồng chí Đỗ Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; đơn vị trực tiếp truyền đạt kiến thức tập huấn là Trung tâm Kinh tế môi trường - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đỗ Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh: Tỉnh Nam Định nằm phía nam đồng bằng Sông Hồng, thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) do thiên tai bão lũ, nước biển dâng và xâm nhập mặn với 4 cửa sông lớn và 72 km đường bờ biển, trong đó có trên 45 km đường bờ biển đang bị xói lở trực tiếp ở mức độ nghiêm trọng do sóng biển và nước biển dâng. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và phức tạp hơn so với dự báo: Hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào các con sông, một số khu vực ven biển bị xói lở ngày càng trầm trọng; các cơn bão đổ bộ vào tỉnh có xu hướng cường độ mạnh hơn và diễn biến bất thường. Triều cường, gió mạnh trên biển, mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đê sông, biển thường xuyên xảy ra sự cố; đặc biệt tuyến đê biển thuộc các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, tỉnh Nam Định đã hết sức quan tâm đến công tác ứng phó, cụ thể: Tỉnh đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về BĐKH thông qua các văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về BĐKH; thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các tuyến đê sông, đê biển, hệ thống giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, các công trình xử lý môi trường nhằm chủ động ứng phó tác động bất lợi của thiên tai và BĐKH gây ra theo quy định của pháp luật. Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai vào các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác ứng phó với BĐKH còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách trong công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH còn ít và chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn sâu ở hầu hết các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã; sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành trong hành động ứng phó BĐKH chưa được thường xuyên và còn nhiều hạn chế; nguồn lực về tài chính để thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến BĐKH chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu là nội dung hết sức quan trọng cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân.
|