Giới thiệu Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khí tượng thủy văn
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn, đến năm 2014, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động khí tượng thuỷ văn là Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, ban hành từ năm 1994. Ngoài ra, hoạt động khí tượng thủy văn và vai trò, trách nhiệm của ngành khí tượng thủy văn còn được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc một số ngành, lĩnh vực có liên quan, đặc biệt trong các lĩnh vực phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước, giao thông vận tải, xây dựng, thủy điện... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thuỷ văn đã bước đầu tạo được hành lang pháp lý phục vụ công tác khí tượng thuỷ văn, đặc biệt trong công tác chuyên môn của hệ thống cơ quan, tổ chức thuộc Ngành khí tượng thuỷ văn nói riêng, các cơ quan thuộc Ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung.
Qua tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn giai đoạn 1994 - 2014 cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hiện tại chưa đầy đủ và không có hệ thống nên đã không bao quát được các hoạt động khí tượng thủy văn đang ngày càng phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do vậy, trước những đòi hỏi của yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động khí tượng thủy văn thì việc ban hành Luật Khí tượng thủy văn (sau đây gọi tắt là Luật KTTV) là hoàn toàn cần thiết (Luật KTTV số 90/2015/QH13 đã được Quốc hội khóa III thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016). Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả. Đồng thời, Luật KTTV  tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đây là lần đầu tiên, mọi hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật KTTV. Qua đó, tạo ra khung pháp lý, thay đổi công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Đảm bảo điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Luật KTTV điều chỉnh toàn diện hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam. Một số vấn đề mới chưa có quy định pháp lý đã được quy định trong Luật KTTV như: vấn đề tác động vào thời tiết; giám sát biến đổi khí hậu; các yêu cầu bắt buộc về quan trắc khí tượng thủy văn đối với các công trình khi hoạt động chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng tài sản của cộng đồng; các quy định về hoạt động phục vụ và dịch vụ khí tượng thủy văn; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn…
Triển khai thực hiện Luật KTTV, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đảm bảo thống nhất mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; phát triển các trạm thủy văn chuyên dùng; thể hiện vai trò của nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, quốc phòng và an ninh quốc gia… Quy định trách nhiệm cho các cơ quan thuộc hệ thống nhà nước trong việc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong hoạt động phòng, chống thiên tai.
Nội dung Luật KTTV 2015 với 10 Chương, gồm 57 Điều, cụ thể là:
- Chương 1. Quy định chung: gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc, chính sách hoạt động khí tượng thủy văn, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, truyền thông về hoạt động khí tượng thủy văn và các hành vi bị cấm.
- Chương 2. Quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn: gồm 11 Điều (từ Điều 9 đến Điều 19) quy định về nội dung quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của Bộ, ngành, địa phương; quan trắc khí tượng thủy văn; thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn; hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn; bảo vệ công trình khí tượng thủy văn; điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn; quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn; kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn.
- Chương 3. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn: gồm 9 Điều (từ Điều 20 đến Điều 28) quy định về nội dung hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; yêu cầu đối với dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; nội dung bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia; truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
- Chương 4. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn: gồm 4 Điều (từ Điều 29 đến Điều 32) quy định về nội dung thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.
- Chương 5. Giám sát biến đổi khí hậu: gồm 5 Điều (từ Điều 33 đến Điều 37) quy định về: nội dung giám sát biến đổi khí hậu; cơ sở dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu; đánh giá khí hậu quốc gia; kịch bản biến đổi khí hậu; lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
- Chương 6. Hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn: gồm 3 Điều (từ Điều 38 đến Điều 40) quy định về nội dung hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; quyền và nghĩa vụ của tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn, tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn
- Chương 7. Tác động thời tiết: gồm 4 Điều (từ Điều 41 đến Điều 44) quy định về nguyên tắc tác động vào thời tiết; các trường hợp được tác động vào thời tiết; cơ quan, tổ chức thực hiện tác động vào thời tiết; xây dựng, phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết và giám sát thực hiện.
- Chương 8. Hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn: gồm 4 điều (từ Điều 45 đến Điều 48) quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn; nội dung hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn; cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn; trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Chương 9. Quản lý nhà nước về hoat động khí tượng thủy văn: gồm 5 điều (từ Điều 49 đến Điều 53) quy định về nội dung quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
- Chương 10. Điều khoản thi hành: gồm 4 điều (từ Điều 54 đến Điều 57) quy định về bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; quy định chi tiết.
(Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Xem tại đây)
          * Đối với tỉnh Nam Định
          Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 trạm khí tượng (Nam Định,Văn Lý), 3 trạm thủy văn (Nam Định, Phú Lễ, Trực Phương). Theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 thì tại tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2016-2020 quy hoạch xây mới 01 trạm khí tượng (tại huyện Nghĩa Hưng), 01 trạm khí tượng hải văn (tại huyện Giao Thủy), 01 trạm thủy văn, tài nguyên nước (tại TT Liễu Đề huyện Nghĩa Hưng), 04 điểm đo mưa; giai đoạn 2021-2025 quy hoạch xây  dựng mới 01 trạm thủy văn, tài nguyên nước (Độc Bộc - Nam Trực); giai đoạn 2026-2030 quy hoạch nâng cấp 1 trạm thủy văn (Phú Lễ - Hải Hậu), xây  dựng mới 01 trạm thủy văn, tài nguyên nước (Phú Hào - Nam Điền- Nam Trực), 2 điểm đo mưa độc lập.
          Công tác quan trắc, quản lý dữ liệu và lập các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được thực hiện bởi Đài khí tượng thủy văn Nam Định (trực thuộc Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ). Hàng tuần, Đài khí tượng thủy văn tỉnh đều gửi bản tin dự báo khí tượng thủy văn cho các ngành, các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực khí tượng thủy văn chưa được phát huy hiệu quả cao. Tình trạng nhiều công trình khí tượng thủy văn chưa được quan tâm bảo vệ đúng mức để duy trì điều kiện hoạt động ổn định lâu dài và phát huy tác dụng. Nguyên nhân là do trong quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình khác ở địa phương không đảm bảo quy định về hành lang an toàn cho công trình khí tượng thủy văn hoạt động.
Vì vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường thị trấn nghiên cứu Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTTV nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và phát huy hiệu quả tác dụng của pháp luật khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định.