Giới thiệu Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (phiên bản cập nhật năm 2016) và những ảnh hưởng tác động đến tỉnh Nam Định
Hiện nay, Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Do vậy Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lần đầu vào năm 2009 trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước. Mức độ chi tiết của các kịch bản mới chỉ giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam để kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2011, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được ban hành, xác định mục tiêu cho các giai đoạn và các dự án ưu tiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về diễn biến, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong thời gian qua và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được xây dựng trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC); số liệu khí tượng thủy văn được cập nhật đến năm 2014; xu thế BĐKH và NBD ở Việt Nam; các mô hình khí hậu toàn cầu và mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao cho khu vực Việt Nam,... Thông tin chi tiết kịch bản được cung cấp bao gồm: nhiệt độ, mưa (năm, mùa); các hiện tượng cực đoan khí hậu (bão, gió mùa, nắng nóng, rét đậm, rét hại, hạn hán); mực nước biển dâng đối với các tỉnh ven biển và hải đảo, nguy cơ ngập tương ứng với các mức nước biển dâng,…. Các khoảng thời gian của thế kỷ 21 được xét đến, bao gồm: đầu thế kỷ (tương lai gần, 2016 - 2035); giữa thế kỷ (tương lai vừa, 2046 - 2065) và cuối thế kỷ (tương lai xa, 2080 - 2099). (Xem tại đây)
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (phiên bản cập nhật năm 2016) có 10 điểm mới quan trọng so với phiên bản 2012, cụ thể như sau:
*Thứ nhất, sử dụng số liệu cập nhật, bao gồm: (i) số liệu của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia được cập nhật đến năm 2014; (ii) số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn ven biển và hải đảo được cập nhật đến năm 2014; (iii) Số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh được cập nhật đến năm 2014; (iv) Số liệu địa hình của bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 đo đạc bởi các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được cập nhật đến năm 2015.
*Thứ hai, sử dụng các kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu (thuộc dự án CMIP5), bao gồm: NorESMl-M, CNRM-CM5, GFDL-CM3, HadGEM2-ES, ACCESS 1-0, CCSM4, CNRM-CM5, GFDL-CM3, MPI-ESM- LR, NorESMl-M, ACCESSl-0, NorESMl-M, NCAR, SSTHadGEM2, SSTGFDL-SST.
*Thứ ba, sử dụng phương pháp chi tiết hóa động lực dựa trên 5 mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao, bao gồm: AGCM/MRI, PRECIS, CCAM, RegCM và clWRF. Tổng cộng có 16 phương án tính toán.
*Thứ tư, sử dụng phương pháp thống kê để hiệu chỉnh kết quả tính toán của các mô hình động lực theo số liệu thực đo tại các trạm quan trắc nhằm phản ánh điều kiện cụ thể của địa phương và giảm sai số hệ thống của mô hình.
*Thứ năm, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và một số cực trị khí hậu chi tiết cho 63 tỉnh/thành phố, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và chi tiết cho 150 trạm khí tượng (tương đương cấp huyện).
*Thứ sáu, xây dựng kịch bản nước biển dâng chi tiết cho 28 tỉnh ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
*Thứ bảy, xác định mức độ tin cậy của các kết quả tính toán khí hậu và nước biển dâng trong tương lai theo các khoảng phân vị.
*Thứ tám, đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Đối với các khu vực có bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2000, bản đồ nguy cơ ngập được chi tiết đến cấp xã.
*Thứ chín, nhận định về mực nước cực trị gồm nước dâng do bão, thủy triều và nước dâng do bão kết hợp với thủy triều ven bờ biển Việt Nam, để người sử dụng có thể hình dung được những tác động kép của nước biên dâng do biến đổi khí hậu và cực trị mực nước biển do các yếu tố tự nhiên như nước dâng do bão và triều cường.
*Thứ mười, nhận định về một số yếu tố có tác động kép đến nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biển đổi khí hậu, bao gồm nâng hạ địa chất và sụt lún do khai thác nước ngầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển miền Trung.
Tuy nhiên để khai thác, sử dụng Kịch bản BĐKH và NBD trên đây có hiệu quả cần lưu ý những khuyến nghị sau đây:
1) Việc sử dụng kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam trong đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó trong thời gian tới, cần được xem xét và lựa chọn phù hợp từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí như: Tính đặc thù (của ngành, lĩnh vực, địa phương…); tính đa mục tiêu; tính hiệu quả nhiều mặt (kinh tế, xã hội, môi trường); tính bền vững; tính khả thi, khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển.
2) Khi áp dụng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng, các bước sau đây được khuyến nghị: (i) Xác định các thông số khí hậu quan trọng đối với ngành và đối tượng nghiên cứu; Chọn kịch bản BĐKH và nước biển dâng; Sử dụng các công cụ tính toán và phân tích để xác định những thông tin quan trọng như sự thay đổi chế độ dòng chảy, ngập lụt, xâm nhập mặn, nước dâng do bão, biến đổi đường bờ,… để phục vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động.
3) Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có sự phân kỳ thực hiện; cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất.
4) Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tất cả các quốc gia đều phải hành động để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này có nghĩa Kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (kịch bản RCP 4.5) có nhiều khả năng xảy ra hơn so với kịch bản nồng độ khí nhà kính khác.
5) Kịch bản RCP 4.5 có thể được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình không mang tính lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn.
6) Kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (Kịch bản RCP 8.5) cần được áp dụng cho các công trình mang tính vĩnh cửu và các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.
7) Kịch bản BĐKH và NBD luôn tồn tại những điểm chưa chắc chắn vì còn phụ thuộc vào việc xác định các kịch bản phát thải khí nhà kính (phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô toàn cầu, mức tăng dân số và mức độ tiêu dùng của thế giới, chuẩn mực cuộc sống và lối sống, tiêu thụ năng lượng và tài nguyên năng lượng toàn cầu, vấn đề chuyển giao công nghệ giữ các nước phát triển và các nước đang phát triển, việc thay đổi sử dụng đất,…), những hiểu biết còn hạn chế về hệ thống khí hậu toàn cầu và khu vực, quá trình tan băng, phương pháp xây dựng kịch bản... Do đó, khi sử dụng kịch bản BĐKH trong đánh giá tác động của BĐKH, cần xem xét và phân tích cẩn thận mọi khả năng xảy ra của khí hậu tương lai. Người sử dụng nên tham vấn ý kiến chuyên gia để xác định các giá trị cũng như khoảng biến đổi phù hợp nhất trong quá trình lập kế hoạch.
8) Mô hình khí hậu đang được tiếp tục phát triển để nâng cao mức độ chắc chắn của kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng sẽ được tiếp tục cập nhật theo lộ trình của Ban liên chính phủ về BĐKH. Vì thế việc đánh giá tác động và khả năng bị tổn thương cần được rà soát, cập nhật khi kịch bản mới được công bố. Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đề nghị IPCC vào năm 2018 công bố báo cáo đặc biệt về kịch bản nồng độ khí nhà kính và các tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng sẽ có các bổ sung tương ứng.
9) Kịch bản BĐKH và nước biển dâng chỉ xét đến sự biến đổi của các yếu tố khí hậu và mực nước biển dâng trung bình do BĐKH. Bản đồ nguy cơ ngập được xây dựng dựa trên mực nước biển dâng trung bình do BĐKH. Các yếu tố động lực khác có liên quan như sự nâng hạ địa chất, sự thay đổi địa hình, sụt lún đất do khai thác nước ngầm, thay đổi đường bờ biển, ảnh hưởng của thủy triều, nước dâng do bão, nước dâng do gió mùa, ảnh hưởng của các công trình thủy điện bậc thang, xâm nhập mặn,… chưa được xét đến trong kịch bản này. Các công trình giao thông và thủy lợi như đê biển, đê sông, đê bao, đường giao thông,… cũng chưa được xét đến khi xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng.
Vì thế, khi sử dụng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng để đánh giá tác động của BĐKH, những yếu tố động lực nêu trên cần được xét đến trong tính toán đặc biệt là nâng hạ địa chất, sụt lún do khai thác nước ngầm, các công trình hạ tầng, giao thông và thủy lợi, lũ và ngập lụt do lũ cần được tính đến cùng với nước biển dâng do BĐKH trong xác định ngập lụt.
          * Những ảnh hưởng tác động đến tỉnh Nam Định
          Trong bối cảnh BĐKH thì các hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão, ngập lụt sau bão, xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn nhất về BĐKH mà Nam Định đã và đang gặp phải. Theo đó tại Nam Định nếu mực nước biển dâng 50cm thì diện tích bị ngập sẽ là 26% diện tích toàn tỉnh, nếu mực nước biển dâng 60cm thì diện tích bị ngập sẽ là 32,5% diện tích toàn tỉnh, nếu mực nước biển dâng 100cm thì diện tích bị ngập sẽ là 58% diện tích toàn tỉnh. Mặt khác quá trình diễn biến xâm nhập mặn do nước biển dâng đang có xu hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Theo số liệu thực tế được Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định đo ngày 21/12/2014: trên sông Hồng độ mặn đo tại cửa cống Tài, xã Xuân Tân - Xuân Trường (cách biển 19km) là 2,6‰; trên sông Ninh Cơ độ mặn tại bến đò Tân Lý, xã nghĩa Sơn - Nghĩa Hưng (cách biển 20km) là 3‰; trên sông Đáy độ mặn tại bến đò 10, xã Nghĩa Sơn - Nghĩa Hưng (cách biển 28km) là 0,2‰. Tình trạng xâm nhập mặn từ biển vào sâu trong đất liền ngày càng tăng do BĐKH và NBD đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống con người.
Hiện tại toàn tuyến đê biển Nam Định có tổng chiều dài 91,98km, trong đó: tuyến đê Giao Thủy dài 31,16 km; tuyến đê Hải Hậu dài 33,18 km; tuyến đê Nghĩa Hưng dài 26,33 km. Theo đánh giá nếu trường hợp xảy ra ở mức triều trung bình, bão cấp 10 thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đê kè của tỉnh vì tại thời điểm hiện tại phần lớn đê biển đã được kè mái, tôn cao và tu bổ, đảm bảo chịu được bão đến cấp 9, triều trung bình. Trong khi trong bối cảnh BĐKH, bão thường có xu hướng mạnh hơn, khó dự báo hơn,… thì đê biển của tỉnh Nam Định là thách thức lớn đối với tỉnh. Điển hình như Đêm 27, rạng sáng ngày 28-7-2016, cơn bão số 1 (Mirinae) đổ bộ vào đất liền, tâm bão là tỉnh Nam Định gây gió rất mạnh, vùng ven biển gió cấp 11, 12, giật trên cấp 13; ước tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh trên 3.100 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp Kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam trên đây cho các ngành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố và các xã ven biển chịu tác động lớn của BĐKH và NBD để xem xét, nghiên cứu. Đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng kế hoạch ứng phó BĐKH và NBD theo kịch bản năm 2016 của tỉnh Nam Định, cũng như lập đề án xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do bão và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Nam Định để giúp cho tỉnh và các địa phương ứng phó với BĐKH và NBD.
Vì vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp, các ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh kịp thời nghiên cứu Kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam (phiên bản cập nhật năm 2016) nhằm có các giải pháp phù hợp để ứng phó có hiệu quả với BĐKH và NBD trong thời gian tới.