Nam Định: Hiệu quả từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở của tỉnh Nam Định được triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở, trở thành hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa trong đời sống nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá cơ sở, UBND tỉnh Nam Định khuyến khích các đơn vị, tổ chức đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, điểm vui chơi cho trẻ em ở xã, phường, nhà văn hoá cho thanh thiếu niên... hoạt động trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý đảm bảo gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Ngành Văn hoá-Thông tin phối hợp với các ngành, các cấp, tổ chức xã hội huy động nhiều nguồn lực tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở như: tổ chức liên hoan, hội diễn; mở các lớp tập huấn, lớp năng khiếu, bồi dưỡng nghiệp vụ; nhóm câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ truyền thống, các đội văn nghệ...

Hiệu quả bước đầu từ phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở Nam Định là các thiết chế văn hoá cộng đồng như: Bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện, nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã, điểm vui chơi giải trí công cộng... ngày càng được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Hiện Nam Định có 1 nhà văn hoá cấp tỉnh, 10 huyện, thành phố đều có nhà văn hoá, gần 200 nhà văn hoá xã, phường và hàng trăm điểm vui chơi giải hoạt động tích cực, hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân...

Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở Nam Định không chỉ góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Nổi bật là huyện Hải Hậu đã có trên 26 năm liền là điển hình về văn hoá cấp huyện của toàn quốc; huyện Vụ Bản hơn 10 năm liền đứng đầu toàn tỉnh. Nam Định hiện có gần 500 đội văn nghệ quần chúng, 1.600 câu lạc bộ sở thích, 163 dàn kèn đồng, 274 dàn trống và hơn 100 đơn vị hoạt động với các loại hình truyền thống như múa rồng, múa sư tử, chọi gà, kéo co, thả đèn trời... Trong đó, câu lạc bộ hát chèo, ca trù ở Ý Yên không những bảo tồn được giá trị văn hoá của ông cha để lại mà còn giành được nhiều huy chương Vàng, Bạc trong các hội diễn, liên hoan của tỉnh và Trung ương./.