Việt Nam-Năm 2010 nhiệt độ miền Nam tăng thêm 0,5 độ C
Đó là một thông điệp quan trọng được nhấn mạnh trong hàng loạt hoạt động nhân dịp “Ngày quốc tế về đa dạng sinh học” do Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) và Tổ chức hỗ trợ phát triển Đức (DED), Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam (MoNRE), Ban thư ký Công ước về Đa dạng sinh học quốc tế (SCBD Montreal) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới cùng tổ chức trong thời gian qua.
Từ những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đánh giá những biểu hiện biến đổi khí hậu ở Việt Nam về cơ bản khá phù hợp với xu thế biến đổi khí hậu đang xảy ra trên toàn cầu và trong khu vực.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), các kịch bản về biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã được xây dựng nhằm đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp ứng phó thích nghi cho từng vùng.

Theo đó, đến năm 2010, dự báo nhiệt độ trung bình ở miền Bắc sẽ tăng 0,3 độ C và ở miền Nam sẽ tăng 0,5 độ C, mực nước biển trung bình dâng 9cm, lượng mưa tăng giảm sẽ có những thay đổi lớn đồng thời các dạng thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán cũng gia tăng về số lượng, cường độ và độ bất thường.

Một báo cáo tham luận tại Hội thảo chuyên đề về đa dạng sinh học và thay đổi khí hậu được tổ chức ngày 22/5 tại Hà Nội của GS.TS Nguyễn Đức Ngữ - Trung tâm Khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, biến đổi khí hậu sẽ làm cho một phần đáng kể diện tích trồng trọt ở đồng bằng duyên hải, châu thổ sông Hồng, sông Mê Công bị ngập mặn do nước biển dâng, tác động xấu đến ngành nông lâm nghiệp.

Ngoài ra, nhiệt độ và mức đọ khô hạn gia tăng có thể làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh dịch bệnh, làm cho nguồn hải sản bị phân tán, các loại cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn…

Cũng tại hội thảo trên, PGS.TS.Trần Việt Liễn – Hội Môi trường xây dựng Việt Nam còn khẳng định, Biến đổi khí hậu sẽ có những tác động rất lớn đến cơ sở hạ tầng, các vấn đề quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình…

Ông nhấn mạnh: “Cùng với lũ lụt gia tăng, hạn hán cũng xuất hiện nhiều hơn, một số vùng đã xuất hiện dấu hiệu của hiện tượng hoang mạc hóa và chắc chắn sẽ mạnh lên trong thập kỷ tới.

Vấn đề cấp thoát nước sẽ trở nên phức tạp và căng thẳng hơn trên nhiều vùng. Đặc điểm này không thể không tính đến khi quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng, các đô thị”.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn đối với đa dạng sinh học: nhiều loài động vật biến mất, các hệ sinh thái bị biến đổi và phân mảnh, một số khu bảo tồn cảnh quan có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa và khoa học, là độc nhất hay tiêu biểu cho các quá trình sinh học ở các đảo, các vùng ven biển, cửa sông biến mất hoặc bị thu hẹp…

Một trong những giải pháp được các nhà khoa học đề ra nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu là lập các khu bảo tồn thiên nhiên, tạo ra những bể hấp thụ khí CO2 khổng lồ để giảm hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu.

Ngày 19/5 vừa qua, một “Ngày hành động vì đa dạng sinh học” cũng đã được tổ chức tại Vườn quốc gia Tam Đảo – một khu bảo tồn có diện tích rừng tự nhiên khá lớn (35.000 ha) với hơn 2.000 loài động vật và thực vật sinh sống trong đó có phong lan và hoa trà là những loài cây đặc hữu của Tam Đảo.

Hơn 200 tay đua xe đạp đã đạp xe từ Hà Nội lên Vườn quốc gia Tam Đảo để tham gia ngày hành động vì đa dạng sinh học này.

Trong hội thảo chuyên đề ngày 22 và 23/5, một chương trình “Hướng tới năm 2010, các sáng kiến cho Việt Nam” cũng đã được khởi động với lễ ký kết tuyên bố Hướng tới năm 2010.

Nhiều hoạt động khác như trình chiếu bộ phim từng đoạt giải Oscar “Cuộc hành trình của chim cánh cụt”, “Thảm kịch xanh”… cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội.