Tọa đàm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn và biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-zôn và Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-zôn, ngày 16-9-2015, tại Thành phố Nam Định, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN và MT) phối hợp với Sở TN và MT tổ chức buổi tọa đàm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn và biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam. Tham gia buổi tọa đàm có lãnh đạo các sở: TN và MT, Xây dựng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
 
Đại biểu tham dự tọa đàm.
Đại biểu tham dự tọa đàm.
 
Theo tổ chức Khí tượng Thế giới và Chương trình Môi trường LHQ, những năm qua, tầng ô-zôn đã bị suy giảm mạnh. Từ năm 1880 đến năm 2012, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên khoảng 0,850C. Trên quy mô toàn cầu, từ năm 1971 đến năm 2010 nhiệt độ bề mặt đại dương đã tăng lên 0,110C mỗi thập kỷ. Kể từ giữa thế kỷ XIX, mức độ dâng lên của mực nước biển cao hơn mức độ chung của hai thế kỷ trước. Từ năm 1901 đến năm 2010, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,19m. Tốc độ nước biển dâng trung bình toàn cầu là 1,7mm/năm từ năm 1901 đến năm 2010; 2mm/năm từ năm 1971 đến năm 2010 và 3,2mm/năm từ năm 1993 đến năm 2010. Nguyên nhân gây ra tình trạng BĐKH do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đô thị hóa, khai thác rừng… làm nồng độ khí nhà kính tăng nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà hậu quả tiêu biểu nhất là tình trạng nước biển dâng cao. Tại nước ta, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,5-0,70C. Mức thay đổi nhiệt độ cực đại trên phạm vi cả nước nhìn chung dao động trong khoảng -30C đến 30C; mức thay đổi nhiệt độ cực tiểu chủ yếu dao động trong khoảng -5 0C đến 50C. Xu thế chung của nhiệt độ cực đại và cực tiểu là tăng. Tốc độ tăng của nhiệt độ cực tiểu nhanh hơn so với nhiệt độ cực đại, phù hợp với xu thế chung của BĐKH toàn cầu… Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-7-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 14-Ctr/TU ngày 22-7-2013 thực hiện Nghị quyết số 24 của BCH Trung ương Đảng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 15-10-2013 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy. Hằng năm, Sở TN và MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường; giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, ký kết các chương trình phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức phong phú góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Riêng đối với lĩnh vực bảo vệ tầng ô-zôn và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 127/UBND-VP3 ngày 14-3-2014 giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện các biện pháp giảm cầu về các chất gây phát thải khí nhà kính (HCFC) bảo vệ tầng ô-zôn.
Các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm đều thống nhất cho rằng, thời gian tới cần tiến hành đánh giá tác động và xây dựng các biện pháp thích ứng với BĐKH trong các lĩnh vực: tài nguyên nước, vùng ven biển, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, GTVT, sức khỏe cộng đồng. Xây dựng phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực. Xây dựng một số mô hình thí điểm thực hiện cơ chế phát triển sạch. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền thông tin BĐKH nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với BĐKH cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng. Thực hiện một số dự án, chương trình về BĐKH, xác định một số công nghệ mới ứng phó với BĐKH. Nghiên cứu, xây dựng các kịch bản BĐKH. Lồng ghép vấn đề BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển bền vững của các bộ, ngành và các địa phương… Khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng chung tay bảo vệ tầng ô-zôn, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH./