CLB Dòng sông quê em, Trường THCS Yên Ninh (Ý Yên) biểu diễn văn nghệ
tuyên truyền về bảo vệ dòng sông, môi trường.
Thông qua các chương trình giáo dục về môi trường, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản liên quan đến yếu tố môi trường, vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường. Tại khối đại học, các trường tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21-01-2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”... Bên cạnh việc cung cấp kiến thức bảo vệ môi trường qua các giờ học trên lớp, hầu hết các trường học đều tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường để học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia, cọ sát với các tình huống. Tại các trường học trong tỉnh đều thông qua hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội, huy động học sinh, sinh viên tham gia các chương trình: dọn vệ sinh trường lớp, xây dựng vườn trường, xây dựng cảnh quan nhà trường “xanh, sạch, đẹp”, tham gia hưởng ứng “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, tham gia “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, tham gia “Tết trồng cây”… Từ năm 2008, ngành GD và ĐT tỉnh đã triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại hầu hết các trường học, góp phần xây dựng khuôn viên trường khang trang, sạch, đẹp, an toàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 785 trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh thoáng mát, sạch đẹp, chiếm 90,75% tổng số trường, cao hơn mức bình quân chung của cả nước gần 20%; 1.392 công trình vệ sinh được xây mới, nâng tổng số các công trình hợp vệ sinh trong trường học lên gần 96%. Ngoài việc thiết lập các hoạt động trong nhà trường, tại một số trường còn xây dựng các mô hình hướng đến bảo vệ môi trường cộng đồng xung quanh. Các trường THCS Vĩnh Hào (Vụ Bản), Yên Ninh (Ý Yên) đã thành lập CLB Dòng sông quê em, thu hút sự vào cuộc của học sinh có năng khiếu diễn thuyết, yêu môi trường làm đội ngũ nòng cốt, duy trì hoạt động tìm hiểu về thực trạng môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường, tham gia cuộc thi đề xuất các ý tưởng bảo vệ môi trường và cùng các bạn học sinh trong trường tiến hành thu gom, vớt rác trên sông nơi các em sinh sống. 170 học sinh thuộc 6 trường THCS Thành phố Nam Định, gồm: Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Hàn Thuyên, Hoàng Văn Thụ, Lương Thế Vinh và Quang Trung tham gia thi vẽ tranh về chủ đề “Nước là cuộc sống của chúng ta”. Thông qua cuộc thi, các em đã tìm hiểu thực trạng nguồn tài nguyên nước, các hành vi gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, yêu cầu cấp bách phải bảo vệ tài nguyên nước và chuyển thể minh hoạ bằng hình vẽ thể hiện những mong muốn, ước mơ và một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Qua quá trình sinh hoạt trong các mô hình, CLB bảo vệ môi trường, các em không chỉ được tiếp thu những kiến thức về bảo vệ môi trường mà còn trở thành các tuyên truyền viên vận động mọi người trong gia đình và làng xóm cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh chương trình giáo dục của nhà trường, tại các huyện và cơ sở, hàng nghìn CLB, tổ, đội thanh niên xung kích BVMT đã được thành lập, đồng thời tích cực tuyên truyền về công tác BVMT ở địa phương. Các phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” được các tổ chức Đoàn duy trì hoạt động như: dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, làm đường giao thông, trồng và chăm sóc cây xanh. Mỗi huyện Đoàn đều có cách làm riêng nhằm phát huy hiệu quả để hướng tới chủ đề của Năm Thanh niên như thu gom rác thải tại các sông, khu vực công cộng, nạo vét kênh mương. Mô hình Đoạn đường thanh niên tự quản cũng được các cơ sở Đoàn đảm nhận, hằng tuần đoàn viên thanh niên tổ chức quét dọn, thu gom rác thải, san lấp ổ gà… Trong các đợt cao điểm Tháng Thanh niên, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch thanh niên tình nguyện..., các tổ chức Đoàn đã tổ chức mít tinh, cổ động, thành lập hàng trăm đội thanh niên tình nguyện đến các xã để tuyên truyền về BVMT. Từ năm 2003, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ xây dựng CLB “Thanh niên với bảo vệ môi trường” tại 3 xã Yên Thắng, Yên Bằng (Ý Yên) và Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng), với mô hình "Làng xã xanh, sạch, đẹp" và "Bảo vệ dòng sông Nhuệ". Mỗi đội thanh niên tình nguyện ở 3 xã được đầu tư xe để thu gom rác thải. Vào các ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần, đội thanh niên tình nguyện huy động học sinh THCS tham gia dọn vệ sinh các trục đường trong xã. Mới đây nhất, để hưởng ứng chương trình: “Chung tay xây dựng thành phố sạch - đẹp" trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng của UBND Thành phố Nam Định, học sinh các trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia thực hiện thành công các mô hình: "Thiếu nhi tuyên truyền trong cộng đồng về môi trường xanh, sạch, đẹp" do Đoàn Thanh niên thành phố thành lập "Đội tuyên truyền măng non về môi trường", đến các khu dân cư của các phường, xã tuyên truyền về môi trường xanh, sạch, đẹp; phát tờ rơi; ký cam kết với các hộ dân. Mô hình "Một số biện pháp tổ chức giáo dục bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp cho trẻ trong trường mầm non" của Trường Mầm non 8-3 đã xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; lồng ghép giáo dục môi trường phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ bằng phương pháp tổ chức các hoạt động tập thể, thi vẽ tranh, nghe kể chuyện. Các mô hình: "Xanh hoá trường học và nâng cao ý thức về môi trường xanh, sạch, đẹp" của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và "Một số biện pháp cải thiện vệ sinh môi trường" của Trường THCS Hàn Thuyên đã huy động sức mạnh tổng hợp trong và ngoài nhà trường để thực hiện quy định không vứt rác tùy tiện trong sân trường và xung quanh khu vực cổng trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; xây dựng được ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trong nhà trường và ngoài xã hội.
Thời gian tới, ngành GD và ĐT cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, tạo lập nhiều chương trình giáo dục, huy động học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ môi trường thiết thực, hiệu quả./.