Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng
12/11/2008
Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng, tên chính thức là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng...
Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng, tên chính thức là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, thuộc địa bàn 5 huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định); Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình); Thái Thuỵ và Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 2/12/2004, với diện tích hơn 105 ngàn ha, vùng lõi: 14 ngàn ha, vùng đệm: 37 ngàn ha, vùng chuyển tiếp trên 54 ngàn ha. Bao gồm 01 Vườn quốc gia, 01 khu bảo tồn thiên nhiên và nhiều diện tích bãi bồi rộng lớn. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Nam Á, đặc biệt là bảo tồn các loài chim hoang dã quý hiếm.
Tại thành phố Nam Định, vào ngày 13/10/2008, sau khi được sự thống nhất của Uỷ ban UNESCO, UBND 2 tỉnh Thái Bình và Ninh Bình, UBND tỉnh Nam Định đã chính thức tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cao quý: “Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng”.
Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng được biết đến như một ga chim quan trọng trong khu vực. Ở đây có khoảng 200 loài chim,trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, móng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc...
Hệ sinh thái rừng ngập mặn là sinh cảnh đặc sắc ở nơi đây, với những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn
ha, các vùng đầm lầy và bãi bồi cửa sông, ven biển. Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, gió bão, thích ứng biến đổi khí hậu, nước dâng và là lá chắn an toàn để bảo vệ hệ thống đê biển, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng ven biển 3 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.
ha, các vùng đầm lầy và bãi bồi cửa sông, ven biển. Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, gió bão, thích ứng biến đổi khí hậu, nước dâng và là lá chắn an toàn để bảo vệ hệ thống đê biển, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng ven biển 3 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.
Rừng ngập mặn còn là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thuỷ hải sản và cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú với 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá, vạng, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng.v.v...
Ngoài ra, khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Châu thổ sông Hồng còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái; là điểm đến của nhiều đoàn nghiên cứu, tham quan học tập ở trong nước và quốc tế.
Nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng là Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ thuộc địa phận huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. VQG Xuân Thuỷ tham gia công ước Ram sa vào năm 1989. Đây là khu Ram sa đầu tiên của Đông Nam Á, là khu duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này.
Trong những năm qua Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ (VQG) tỉnh Nam Định đã nhận được nhiều sự trợ giúp của các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và Quốc tế. Nhiều chương trình dự án đã được triển khai trong khu vực nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Nam Định nói riêng và 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình nói chung. Trong đó văn phòng dự án quản lý tổng hợp vùng bờ (ICZM Nam Định)- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định trong nhiều năm qua đã chủ trì triển khai và phối hợp tham gia nhiều chương trình, dự án để từng bước làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực VQG Xuân Thuỷ, những chương trình, dự án phải kể đến là: Dự án quản lý tổng hợp vùng bờ do Chính phủ Hà Lan tài trợ được triển khai tại Nam định từ năm 2001 đến tháng 3/2006. Dự án đã xây dựng được Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ trong đó nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các tài nguyên thiên nhiên là một trong sáu hợp phần của Chiến lược. Dự án đã đề xuất được Kế hoạch hành động đề thực hiện Chiến lược. Cũng trong pha 1 của dự án đã giúp VQG Xuân Thuỷ xây dựng được Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển Vườn giai đoạn từ năm 2006 đến 2010.
Từ năm 2005 đến tháng 12/2007, được sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), nhiều mô hình hoạt động đã đựoc triển khai tại địa bàn xã Giao Xuân- là một trong năm xã vùng đệm của VQG Xuân Thuỷ.Các hoạt động tập trung vào phát triển cộng đồng, nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng địa phương, quản lý tài nguyên thuỷ sản bền vững nhằm giúp người dân tạo dựng nghề mới thay thế và thân thiện với môi trường, giảm áp lực khai thác tài nguyên ngoài khu vực bãi bồi. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được triển khai dưới sự điều hành của Ban quản lý Du lịch sinh thái xã Giao Xuân đã bước đầu thu nhận được những kết quả đáng mừng. Trong giai đoạn tiếp theo, MCD đã được UBND tỉnh Nam Định chính thức phê duyệt dự án điều chỉnh bổ sung bắt đầu từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2011.
Chương trình Liên minh đất ngập nước ( WAP) dưới sự điều hành của 4 tổ chức quốc tế: CORIN, World Fish, AIT, WWF với nguồn kinh phí tài trợ từ tổ chức SIDA- Thuỵ Điển đã chọn VQG Xuân Thuỷ là điểm triển khai các hoạt động trợ giúp. Các hoạt động của dự án WAP hướng tới mục tiêu là bảo tồn các nguồn tài nguyên đất ngập nước trong khu vực, tăng cường năng lực và tạo sinh kế mới bền vững, ít tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên cho nhóm cộng đồng nghèo xung quanh khu vực VQG Xuân Thuỷ. Pha 1 của dự án từ tháng 6/2007 đến tháng 6/2009, dự kiến pha 2 sẽ tiếp tục đến năm 2013
Ngoài ra nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đã được đầu tư vào khu vực này: như Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng đệm VQG được triển khai từ nhiều năm nay, các công trình hạ tầng đã được nâng cấp và xây dựng mới như cải tạo hệ thống đường giao thông liên xã, xây trụ sở UBND tỉnh phân bổ trong năm 2007 đã được đầu tư trang thiết bị cho công tác quản lý chất thải rắn tại các xã vùng đệm VQG và sẽ tiếp tục được quan tâm trong những năm tiếp theo.
Các hoạt động được triển khai tại khu vực VQG Xuân Thuỷ nói riêng hay 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình nói chung trong nhiều năm gần đây đã cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền từ Trung ương đến địa phương; nhận thức của các cấp,các ngành và cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt.
Sự kiện đón nhận danh hiệu Khu DTSQ châu thổ sông Hồng và lễ ra mắt của Ban quản lý Khu DTSQ diễn ra vào ngày 13/10/2008 vừa qua là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đề cao trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo tồn các di sản thế giới nói chung và nguồn tài nguyên quốc gia nói riêng. Mặt khác sự kiện còn có tác động lớn tới nhận thức của cán bộ và nhân dân 3 tỉnh về vai trò, giá trị của tài nguyên Đất ngập nước trong việc xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tỉnh/Thành
Thống kê truy cập
Hôm nay
2670
Thống kê tuần
52900
Thống kê tháng
120835
Tất cả
1247249