Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2017
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993, được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm nhằm quy tụ các tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp, trường học, cá nhân tại các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Chủ đề Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hài hòa với thiên nhiên.
I. Mục đích, yêu cầu
- Tăng cường công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức, ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ý nghĩa của "Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn" bằng nhiều hình thức khác nhau và qua các hoạt động thiết thực, cụ thể, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; trong đó tập trung vào các vấn đề môi trường bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại địa bàn nông thôn, khu dân cư, làng nghề, khu - cụm công nghiệp.
- Tuyên truyền, cổ vũ, động viên phong trào bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường.
- Phát động  phong  trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải tại các huyện, thành phố.
- Đẩy mạnh sự giám sát của các cấp, các ngành, các đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân trong xây dựng tiêu chí môi trường, góp phần xây dựng  nông thôn mới bền vững.
II. Nội dung
1. Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo; Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 23/11/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 16/5/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nam Định; Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 27/9/2016 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2020;...
2. Tăng cường và đa dạng hoá công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
2.1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện; loa truyền thanh của phường, xã và trong các cuộc họp của thôn, xóm, tổ dân phố cần tập trung đưa tin về:
- Các văn bản quy phạm pháp luật; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và các văn bản khác có liên quan.
- Lịch sử và ý nghĩa của “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”; tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; từ đó thu hút, vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hệ thống, công nghệ xử lý chất thải đảm bảo an toàn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; các cơ sở áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, công nghệ sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường; cơ sở giảm phát thải, tái chế, tái sử dụng chất thải.
- Biểu dương, nhân rộng các mô hình, các phong trào tiên tiến hoặc sáng kiến trong bảo vệ môi trường, các mô hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn có sự tham gia của cộng đồng đã được triển khai có hiệu quả,....
2.2. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch, bao gồm:
- Tổ chức lễ mít tinh, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, mít tinh, cuộc thi,… với chủ đề về quản lý rác thải.
- Ra quân làm vệ sinh môi trường, đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý chất thải, rác thải, phấn đấu năm 2017 tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt trên 92%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt trên 93%; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt trên 87%; thực hiện đúng quy trình vận hành các bãi chôn lấp rác thải, lò đốt rác thải sinh hoạt; tiếp tục đôn đốc thực hiện Công văn số 689/UBND-VP3 ngày 12/11/2013 của UBND tỉnh về việc trồng cây xanh xung quanh bãi chôn lấp và xử lý rác thải tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước, trồng và chăm sóc cây xanh...
- Phát động, duy trì các phong trào bảo vệ môi trường tại cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh; tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường vào chủ nhật ngày 17/9 và 24/9/2017 hoặc các phong trào bảo vệ môi trường như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh", “Cơ quan, đường làng, ngõ xóm, khu phố, khu dân cư xanh, sạch, đẹp”,... nhất là đối với 04 huyện có kế hoạch về đích nông thôn mới năm 2017, gồm: Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh.
- Đối với các huyện, xã ven biển: Tăng cường tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung lựa chọn các điểm nóng về ô nhiễm môi trường do rác thải; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
- Treo băng rôn, panô, khẩu hiệu có nội dung về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường ở các nơi công cộng, các đường phố chính, tại trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường. (Nội dung cụ thể tại Phụ lục kèm theo)
3. Đối với các Sở, ngành, UBND các cấp cần xác định và triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết tốt các vấn đề môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trước mắt, 04 huyện có kế hoạch về đích nông thôn mới năm 2017 tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện. Các địa phương, đơn vị được phân bổ vốn sự nghiệp môi trường cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình xử lý môi trường và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả.
4. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động đồng thời thực hiện nghiêm Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính Phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.
5. Biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong bảo vệ tài nguyên, môi trường.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các Sở, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, các huyện, thành phố tổ chức triển khai tốt các hoạt động theo Kế hoạch.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện BVMT trong sản xuất nông nghiệp, xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng các loại phân bón, thuốc thú y, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
3. Sở Xây dựng thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt, định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
4. Sở Y tế tổ chức chỉ đạo các cơ sở y tế, các đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục hồ sơ về BVMT, đẩy mạnh hoạt động xử lý chất thải, đặc biệt công tác thu gom xử lý chất thải y tế nguy hại, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 92%; tổ chức vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện các nội dung tuyên truyền.
6. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, cơ sở y tế, trường học… tổ chức các hoạt động tuyên truyền và các hoạt động bảo vệ môi trường.
7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên chỉ đạo, triển khai kế hoạch tới các tổ chức cơ sở; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai hiệu quả các chương trình, nghị quyết liên tịch đã được ký kết.
8. Thời gian tổ chức, triển khai Kế hoạch từ 11/9 đến 17/10/2017.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện; báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 18/10/2017./.
PHỤ LỤC
KHẨU HIỆU CHIẾN DỊCH LÀM CHO THẾ GIỚI SẠCH HƠN NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số: 89 /KH-UBND ngày  06/9/2017 của UBND tỉnh Nam Định)
1.     Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững.
2.     Tăng cường các hoạt động quản lý rác thải khu vực nông thôn.
3.     Vì một môi trường khôn g có rác , hãy bỏ rác đúng nơi quy định.
4.     Nhiệt liệt hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2017.
5.     Rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi.
6.     Quản lý rác thải khu vực nông thôn hiệu quả vì môi trường xanh bền vững.
7.     Nông thôn xanh, nông sản sạch cho cuộc sống bền vững.
8.     Hãy giữ gìn vệ sinh, không vứt rác ra đường.
9.     Bảo vệ môi trường góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
10.   Đường sạch, ngõ sạch, khuôn viên đẹp là mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
11.   Toàn dân thi đua sản xuất, ruộng vườn xanh tốt, sản phẩm an toàn.
12.   Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường.
13.    Bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.
14.    Bảo vệ môi trường, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.
15.    Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe con người.
16.    Trước khi chặt một cây, hãy trồng một rừng cây.
17.    Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu của cuộc sống
18.    Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.
19.    Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi công dân.
20.    Mỗi người đều có thể làm cho thế giới sạch hơn.