Nam Định tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, thống nhất về hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nam Định
Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh, chính quyền số là nhiệm vụ đang được tỉnh Nam Định đẩy mạnh thực hiện, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, Nam Định thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số; đến năm 2030, Nam Định cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và xây dựng đô thị văn minh kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.
Xác định thực hiện chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của tỉnh; các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo do thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban và Tổ giúp việc về chuyển đổi số ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố thành lập và triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Qua đó, đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả...
Tại Yên Lương, xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Ý Yên về chuyển đổi số, xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xã đã tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho tòa bộ cán bộ công chức xã, tổ công nghệ số cộng đồng của thôn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu và đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư thông minh. Hệ thống loa phát thanh của xã được lắp đặt ở toàn bộ các thôn ứng dụng công nghệ thông tin bằng hệ thống viễn thông internet không dây, đảm bảo tín hiệu âm thanh, dữ liệu hạ tầng. 100% hộ dân trong xã được gắn mã địa chỉ QR trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS; 50% người dân cài đặt ứng dụng “VOV Bacsi24”…
Ông Phạm Tiến Điện, Chủ tịch UBND xã Yên Lương cho biết xã xây dựng 2 mô hình thôn thông minh tại thôn Tử Vinh và thôn Thụy Nội. Ở các thôn này có tổ công nghệ số cộng đồng, nhà văn hóa được trang bị các nền tảng hạ tầng kỹ thuật số như truyền hình, loa thông minh, mạng wifi miễn phí và toàn bộ nhân dân được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, ứng dụng di động, dịch vụ trực tuyến.
Người dân làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định
Cùng với nỗ lực của chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận với các nền tảng số, dịch vụ số để từng bước tiến hành việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử, ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Ngoài ra, có khoảng 30% doanh nghiệp đang triển khai sử dụng các nền tảng số khác như: nền tảng quản trị nhân lực, nền tảng quản lý tài chính, kế toán...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100% số hộ gia đình được phủ mạng mạng internet cáp quang tốc độ cao và tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh ước đạt trên 86,5% đã góp phần giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các nền tảng số, dịch vụ số do các cơ quan nhà nước và thực hiện các hoạt động giao dịch khác phục vụ đời sống hàng ngày trên môi trường điện tử. Toàn bộ địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động 3G, 4G. Các thôn, xóm, tổ dân phố được kết nối với đường internet cáp quang tốc độ cao, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số do cơ quan nhà nước cung cấp. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của của tỉnh được mở rộng đến 100% cơ quan chính quyền 3 cấp đảm bảo về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối, liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh niêm yết công khai 1.761 thủ tục hành chính; 100% hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, giải quyết công khai trên Cổng. Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được xây dựng quy trình điện tử và công khai trên Hệ thống để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, qua đó đã góp phần nâng cao được chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường được việc quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của công chức một cửa...
Nhờ đó, chỉ số xếp hạng về chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Nam Định trong Bộ chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2023 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2021. Trong 5 mục tiêu phát triển chính quyền số tỉnh Nam Định đến năm 2025 theo Nghị quyết 09 đã có 4 mục tiêu hoàn thành.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế cho biết, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 09-NQ/TU đến năm 2025, hiện tỉnh còn một số chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thành như: 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý (hiện chỉ số này đạt 22,5%) và phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP (hiện đạt 15%).
Để hoàn thành các mục tiêu này, Nam Định tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, thống nhất về hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp các dịch vụ số, nền tảng số làm cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nam Định quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu của Việt Nam và thế giới vào đầu tư tại tỉnh, làm cơ sở từng bước hình thành các Khu công nghiệp công nghệ thông tin tại tỉnh góp phần phát triển kinh tế số./.
BẢN TIN LIÊN QUAN
- Lan tỏa kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số
- Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường
- Nam Định: Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh
- Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp
- Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID