Xây dựng phương án điều chỉnh địa giới hành chính và cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định
Ngày 24-3-2008, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn về việc điều chỉnh địa giới hành chính và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định trình Chính phủ phê duyệt

        Ngày 24-3-2008, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn về việc điều chỉnh địa giới hành chính và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định trình Chính phủ phê duyệt để xây dựng thành phố Nam Định thành đô thị trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng. Đồng chí Trần Minh Oanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Tuấn, Trần Thị Hà; lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Cục Thuế; lãnh đạo các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, thành phố Nam Định đến dự. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã nghe 2 phương án điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định. Phương án 1: Chuyển toàn bộ diện tích, dân số của huyện Mỹ Lộc; chuyển 4 xã Đại An, Liên Bảo, Thành Lợi, Tân Thành cùng 33 ha của xã Kim Thái, 64 ha của xã Liên Minh (thuộc KCN Bảo Minh) của huyện Vụ Bản; chuyển 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực về thành phố. Như vậy, thành phố Nam Định có 45 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 20 phường, 24 xã và 1 thị trấn, với diện tích 19507 ha, dân số 401422 người. Phương án 2: Chuyển toàn bộ diện tích, dân số của huyện Mỹ Lộc; chuyển 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực; chuyển 3 xã: Đại An, Thành Lợi, Tân Thành của huyện Vụ Bản về thành phố. Như vậy, thành phố Nam Định có 44 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó gồm 20 phường, 23 xã và 1 thị trấn, diện tích 18393,82ha, dân số 392874 người. Đề nghị Chính phủ ban hành một số chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố Nam Định như: chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương; chính sách đất đai và bất động sản, chính sách thuế, chính sách về tài chính và ngân hàng...

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất mở rộng địa giới hành chính theo phương án 2. Về cơ chế chính sách đặc thù nên chuẩn bị lại để bàn sau.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Việc điều chỉnh, mở rộng thành phố Nam Định và xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển là việc phải làm để thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng theo hướng điều chỉnh trọn xã với quy mô diện tích dân số phù hợp, phù hợp với khả năng quản lý hành chính và nên mở rộng thành phố về phía nam tỉnh cho cân đối. Các ngành, các địa phương cần tiếp tục đóng góp ý kiến để sớm hoàn thành quy hoạch, tạo điều kiện để thành phố Nam Định phát triển mạnh