Năm Quốc tế hành tinh trái đất:
Đó là mục tiêu chính của Chương trình hoạt động Năm Quốc tế hành tinh trái đất được Thứ trưởng Thường trực Bộ TN&MT Nguyễn Công Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia của Chương trình nêu lên tại cuộc họp ngày 7/3. Theo Nghị quyết số 60/192 ngày 22/12/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy năm 2008 là Năm quốc tế hành tinh trái đất. Kế hoạch thực hiện chương trình này gồm 3 giai đoạn: Năm 2007 là năm khởi động, năm 2008 là năm trọng tâm và kết thúc vào năm 2009.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Vạn - Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nêu rõ 3 nguyên nhân chính để phát động Năm Quốc tế hành tinh trái đất. Đó là, các hoạt động của con người bên cạnh những mặt tích cực thì còn nhiều hạn chế, gây hủy hoại môi trường; con người khai thác tận thu tài nguyên triệt để dẫn tới sự cạn kiệt nguồn tài nguyên; nhận thức tốt hơn về khoa học trái đất sẽ giúp loài người sinh sống an toàn bằng việc dự báo chính xác, ứng phó kịp thời trước các tai biến của trái đất. Vì các lý do trên, hiện thế giới đã có 39 nước thành lập Ủy ban Quốc gia Năm Quốc tế hành tinh trái đất và gần 20 quốc gia chuẩn bị thành lập.

Việt Nam là một nước giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên chưa thực sự hiệu quả. Việc tham gia vào chương trình hoạt động Năm Quốc tế hành tinh trái đất sẽ góp phần quảng bá vị thế và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Ngày 23/11/2006, Giáo sư F.J. De Mulder - Giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Năm Quốc tế hành tinh trái đất đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị Việt Nam thành lập Ủy ban Quốc gia Năm Quốc tế hành tinh trái đất và mong muốn Việt Nam sớm trở thành thành viên của đại gia đình này.

Trước khi diễn ra cuộc họp quan trọng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 28/1/2008 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Năm quốc tế hành tinh trái đất. Theo Quyết định này, Bộ TN&MT sẽ đóng vai trò chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Thủ tướng các hoạt động của chương trình. Hơn 2 tuần sau Quyết định của Thủ tưởng, Việt Nam đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận với Hàn Quốc và Nhật Bản về việc hợp tác phát triển Chương trình Năm quốc tế hành tinh trái đất. Cả 2 Bản ghi nhớ đều có 4 nội dung chính: Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ trao đổi thông tin chi tiết về các Chương trình Năm Quốc tế hành tinh trái đất của mỗi bên; tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau nhằm tham gia một số chương trình hoạt động của mỗi nước; mời thanh niên và sinh viên hai phía tham gia các chương trình hoạt động chung; thảo luận về các vấn đề khác không có trong bản ghi nhớ.

Trao đổi với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trần Xuân Hường - Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực cho biết: "Các hoạt động của Năm Quốc tế hành tinh trái đất được đưa vào hai chương trình chính. Chương trình khoa học sẽ triển khai các dự án thuộc 10 lĩnh vực: Nước dưới đất; tai biến tự nhiên; trái đất và sức khỏe; khí hậu; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên; các siêu đô thị; các tầng sâu trong lòng đất (từ vỏ đến nhân trái đất); đại dương; lớp thổ nhưỡng; trái đất và cuộc sống (nguồn gốc của sự đa dạng). Về Chương trình quảng bá sẽ in các tờ rơi, sách giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, các thông tin Chương trình tại nhiều nước trên thế giới sẽ đưa vào trang web: ".

Ngay trong tháng 3 này, Ban Chỉ đạo quốc gia Năm hành tinh trái đất sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và thành lập một Ban Thư ký để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết thúc buổi họp, các đại biểu nhất trí thông qua việc tổ chức hội thảo mang tính chuyên đề (theo từng lĩnh vực) để tuyên truyền về khoa học trái đất, qua đó làm cho khoa học trái đất phục vụ sự phát triển xã hội.