Biển Nam Định (Bài viết hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 trên địa bàn tỉnh Nam Định)
Trong thời đại ngày nay, khi mà tài nguyên đất đai đang dần trở nên khan hiếm và cạn kiệt thì việc vươn ra biển, khai thác đại dương, “lấy đại dương nuôi đất liền” đang là xu thế tất yếu của sự phát triển. Hơn bao giờ hết, các quốc gia có biển ngày càng xác định được vị trí và tầm quan trọng của biển cả. Do đó, Thế kỷ XXI được các nhà hoạch định chính sách xem là “Thế kỷ của Đại Dương”.

Bản đồ các huyện ven biển tỉnh Nam Định

Với vị trí địa lý thuận lợi và nguồn tài nguyên phong phú, biển và hải đảo Việt Nam có ý nghĩa sống còn đối với an ninh, quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời cũng gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nam Định là tỉnh đồng bằng Nam Châu thổ sông Hồng, có toạ độ địa lý từ 190o52’ đến 200o30’ vĩ độ Bắc và từ 1050o55’ đến 1060o35’ kinh độ Đông

- Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam

- Phía Đông giáp tỉnh Thái Bình

- Phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình

- Phía Nam giáp biển Đông

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.651,46 km2, bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 9 huyện và thành phố Nam Định) với 194 xã, 20 phường và 15 thị trấn. Có 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng với 82 xã, thị trấn, trong đó có 18 xã, thị trấn giáp biển.

Nam Định có 72 km đường bờ biển, có điều kiện thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản và phát triển du lịch, có 3 khu du lịch biển lớn là: Khu du lịch tắm biển Quất Lâm (huyện Giao Thuỷ); Khu du lịch tắm biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (huyện Giao Thuỷ). Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực Châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận tháng 12/2004. Hàng năm biển Nam Định đang được bồi tụ, đến nay biển Nam Định có 5 Cồn với diện tích trên 20.800 ha bao gồm: Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh, Cồn Mờ và Cồn Tròn.

Biển Nam Định tương đối nông và bằng phẳng, độ sâu tăng dần từ đất liền ra biển khoảng 3 - 100m. Vùng biển bồi tập trung ở hai cửa sông lớn là cửa Ba Lạt (sông Hồng) và cửa Đáy (sông Đáy) tốc độ bồi từ 80 - 120m/năm, thuộc hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng hình thành những vùng đất ngập nước rất có giá trị đối với hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh.

Vùng biển Nam Định có khoảng 156 loài cá, trong đó 40 loài cá có ý nghĩa kinh tế, khoảng 45 loài tôm, 20 loài mực... Ngoài ra, các loài động vật như: chim, bò sát, nhuyễn thể, ngao, vạng... đặc biệt là chim di cư quý hiếm, tập trung ở khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn với 150 loài trong đó 7 loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng và các loài thuỷ hải sản phong phú về chủng loại đã tạo nên một vùng đa dạng sinh học điển hình của vùng sinh thái cửa sông. Khu vực bãi bồi, cửa sông đều có tập đoàn cây rừng ngập mặn tự nhiên và rừng trồng bảo vệ đê biển tạo môi trường cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề biển, đảo thông qua việc ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách và các chủ trương lớn. Đặc biệt là việc thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại các địa phương có biển thì thành lập phòng biển và đang xây dựng đề án thành lập Chi cục Biển thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo - một lĩnh vực lâu nay còn “bỏ trống”. Đây là một nhiệm vụ mới cần có sự hỗ trợ của các ngành, các địa phương ven biển cũng như toàn thể nhân dân.

Tại hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Với các định hướng cơ bản của Chiến lược này, Đảng ta đã xác lập một tầm nhìn dài hạn, bao quát được các vấn đề lớn đang nổi lên trong xu thế hội nhập quốc tế. Đồng thời thể hiện rõ nét quyết tâm chính trị và tính chất nhất quán đối với yêu cầu tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam.

Để góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 tại Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2011 . Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược và tầm quan trọng của biển.