Nam Định: Giải quyết thách thức quản lý nước ngầm
Trước nguy cơ nhiễm mặn và hạ thấp mực nước ngầm ở Nam Định, các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất Liên bang Đức đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN&MT) giúp Nam Định nâng cao năng lực về quy hoạch, điều tra và quản lý tài nguyên nước ngầm cho cán bộ quản lý tài nguyên nước sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước ngầm cũng như hỗ trợ việc cải thiện chất lượng nước ngầm.
Nước ngầm Nam Định tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững

 PGS.TS. Phạm Quý Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (CWRPI) (Bộ TN&MT) cho biết, trong giai đoạn 1, Dự án "Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam" đã xây dựng được một mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất với 23 giếng khoan tại 10 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh Nam Định. Đó là các xã Yên Chính (huyện Ý Yên), Mỹ Thịnh (huyện Mỹ Lộc), Điền Xá, Bình Minh (huyện Nam Trực), Phương Định (huyện Trực Ninh), Giao Xuân, Giao Yến (huyện Giao Thủy), Hải Bắc, Hải Giang (huyện Hải Hậu) và Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Hưng). Mỗi điểm quan trắc có 1 đến 3 công trình quan trắc. Theo ông Phạm Quý Nhân, các tài liệu quan trắc được là cơ sở đánh giá sự biến đổi về chất lượng, số lượng nước phục vụ quy hoạch khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước ngầm.
Các kết quả quan trắc đã chỉ ra rằng, tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm ở Nam Định đang tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. Đó là hiện tượng nhiễm bẩn do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải làng nghề. Cũng trong quá trình khảo sát thực tế, họ đã phát hiện ra, ở nhiều địa phương của tỉnh Nam Định xuất hiện tình trạng khai thác quá mức nước ngầm dưới độ sâu trên 100m dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước ngầm và đã có hiện tượng nhiễm mặn trong nước ngầm tại huyện Giao Thủy và Hải Hậu...
Kết quả nghiên cứu hè năm 2011 của các chuyên gia Đức thuộc Dự án  (IGPVN) cho thấy, nhu cầu sử dụng nước trung bình ở Nam Định là 215 lít/người và tổng lượng nước ngầm khai thác dùng cho sinh hoạt là 185.000 m3/ngày. Nhu cầu dùng nước quá lớn trong khi nguồn nước trên địa bàn có hạn có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khoan giếng hiện nay trên địa bàn vượt quá lượng bổ cập. Theo ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN, hiện tượng suy thoái nước ngầm chỉ có thể được ngăn chặn nếu việc khai thác nước ngầm được duy trì ở mức ổn định.
Đối với hiện tượng nhiễm mặn, phân tích của các chuyên gia đã đi đến thống nhất phương pháp cân bằng nước cho tầng chứa nước dưới sâu. Theo đó, khoảng 42% lượng nước khai thác được thay thế bởi nước ngầm nhạt từ tầng chứa nước phía dưới và từ ranh giới phía Tây tỉnh Nam Định. 22% lượng nước khai thác được thay thế bởi nước ngầm từ biển và 36% lượng nước khai thác được thay thế bởi nước ngầm lợ/mặn từ tầng chứa nước phía trên mặt và từ ranh giới phía Đông Bắc.
Khuyến cáo trong việc bảo vệ nước ngầm
Trước thực trạng trên, vấn đề quản lý nước ngầm ở Nam Định không còn đơn giản mà đã trở thành vấn đề cần hành động ngay. Các khuyến cáo mà các chuyên gia Đức đưa ra cảnh báo rằng, Nam Định đang phải đối mặt với các thách thức trong quản lý nước ngầm. Trước hết là vấn đề kiểm soát được hoạt động khai thác nước ngầm. Muốn vậy cần kiểm soát hoạt động ngay từ cấp đăng ký và kiểm tra các giếng khoan khai thác, Giấy phép khai thác không chỉ của hộ gia đình mà cả các doanh nghiệp khai thác nước ngầm phục vụ cho mục đích thương mại, công nghiệp. Công việc này đòi hỏi sự huy động lực lượng kiểm tra từ cấp tỉnh trở lên.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, quan trắc nước ngầm trong tương lai là cần thiết. Các giếng quan trắc của dự án IGPVN nên được đưa vào mạng quan trắc trong tương lai. Ông Vũ Minh Lượng (Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định) cho biết, tới đây, tỉnh sẽ quản lý các giếng khoan này và có một lực lượng chuyên môn để duy trì, bảo dưỡng cũng như cập nhật thường xuyên thông tin liên quan đến nguồn nước ngầm để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Mặt khác, để bảo vệ nguồn nước khuyến cáo về việc tối ưu hóa và giảm bớt hoạt động khai thác nước ngầm cũng không kém phần quan trọng. Theo ông Frank Wagner, mỗi tổ chức, cá nhân nên nhận thức rõ việc sử dụng sai và gây tổn thất nước ngầm như xác định các trường hợp làm hao hụt nước ngầm cho hoạt động rửa xe ô tô và có thể dùng nguồn nước thay thế như nước sông. Ngoài ra, nên có chiến dịch nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên nước ngầm.
Theo ông Vũ Minh Lượng, tỉnh hoàn toàn nhất trí với các khuyến cáo của các chuyên gia và cho biết, tới đây, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các chuyên gia Dự án IGPVN xây dựng mô hình số bảo vệ nước ngầm, tổ chức công tác truyền thông và công tác đào tạo cho các cán bộ làm công tác quản lý nước ngầm.