Tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án: "Mở rộng di tích lịch sử, văn hóa chùa Hồ Sơn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản"
4/27/2023

1. Thông tin chung về Dự án

    Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh được xây dựng cách đây hơn 700 năm, Chùa ngoài thờ Phật còn thờ nhị vị công chúa thời Trần là Huyền Trân và Thụy Bảo. Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là em gái Vua Trần Anh Tông, con gái duy nhất của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Huyền Trân sinh ra và lớn lên trong cảnh nước Đại Việt vừa trải qua binh biến tàn

    Ghi nhớ công ơn và tiếc thương người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, sau khi bà mất, Nhân dân làng Hổ Sơn đã tôn bà là Thánh Mẫu và lập đền thờ bà tại nơi bà tu hành. Các triều đại phong kiến đã phong cho bà 4 sắc phong. Căn cứ vào lịch sử của ngôi chùa, ngày 27/9/2006, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Xã Liên Minh không chỉ được biết đến là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng, như nhạc sĩ Văn Cao, nhà cách mạng Nguyễn Phúc, Thượng tướng Song Hào, Phó thủ tướng Chính Phủ - Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, còn được biết đến là một mảnh đất anh hùng. Bởi trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân kháng chiến”, xã Liên Minh có hàng nghìn người hăng hái lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ tổ quốc, góp phần cùng cả nước đánh thắng các kẻ thù xâm lược. Xã Liên Minh vinh dự được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ.

Với ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, hiện nay, chùa Hổ Sơn không chỉ tổ chức các dịp lễ trọng của đạo Phật như: Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng trong dịp hội làng. Vào các ngày 9-4 âm lịch và ngày mồng 5 tháng Giêng diễn ra các nghi thức cúng giỗ trang trọng do làng Hổ Sơn và làng Tiền tổ chức. Lễ hội chùa Hổ Sơn được tổ chức từ ngày mồng 9 đến 14-4 âm lịch. Vào sáng ngày 9-4, dân làng Hổ Sơn tổ chức rước kiệu, rước chân nhang nhị vị công chúa từ chùa đi quanh làng, cờ trống nhộn nhịp. Phần hội là các hoạt động văn hoá, văn nghệ: hát chèo, hát văn, múa lân - sư, thi làm cỗ chay, làm bánh giày... Lễ hội chùa Hổ Sơn được tổ chức văn minh, tiết kiệm đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân xã Liên Minh.

    Chùa Hổ Sơn hay còn gọi là Hổ Linh Tự tọa lạc ở phía nam sườn núi Hổ tại thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có kiến trúc nghệ thuật độc đáo tọa lạc trên sườn núi Hổ cao hơn 10 mét so với mặt đất nên từ ngoài nhìn vào. Chùa được nâng cao dần trong kiến trúc và trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến tổng thể công trình có thế vươn lên. Hiện trạng chùa tòa tam bảo theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm 03 toà: tiền đường, trung đường và hậu cung. Toà tiền đường 03 gian rộng 47 m2 xây mái cuốn vòm, lợp ngói nam. Chính giữa toà tiền đường có treo đại tự “Quảng Nghiêm Tự”, trên hiên treo bích trương “lưỡng long chầu nguyệt”. Tòa trung đường 03 gian. Các bộ vì nóc, vì nách, vì kèo được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng, mê cuốn”. Hai bên gian trung đường được bố trí sàn thờ, trong đó, gian bên trái đặt khám thờ bằng gỗ có ghi “Bồng lai cung khuyết” (Lầu gác ở cõi tiên), bên trên đặt tượng hai Công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo. Hậu cung là nơi thờ Phật được xây giao mái với trung đường, kết cấu 02 gian chạy dọc. Trải qua hơn 700 năm, hiện nay chùa Hổ Sơn vẫn lưu giữ được 27 tượng thờ, 27 đồ thờ cổ; trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như: Tượng nhị vị công chúa, bát hương và 05 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.

Tuy nhiên tổng thể di tích chưa được quy hoạch hoàn chỉnh, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạng mục phụ được xây tự phát, hình thức kiến trúc lai tạp, thiếu thẩm mỹ, các nhà tạm lợp mái tôn, ảnh hưởng đến vẻ đẹp chung của khu đền, kéo theo đó, hệ thống dây điện chiếu sáng đi kèm cũng mang tính tạm thời, thiếu an toàn và không đảm bảo thẫm mỹ. Hệ sân lát bằng nhiều loại gạch, nhiều hình thức chủng loại. Nhiều đoạn sân lún sụt, gạch gãy vỡ. Công năng hiện tại không đáp ứng dược yêu cầu sử dụng, không đáp ứng mục đích sử dụng và gây mất mỹ quan khu di tích. Vì vậy việc Mở rộng di tích lịch sử - văn hóa chùa Hổ Sơn và xây mới đền thờ Huyền Trân công chúa là cần thiết, nhằm bảo quản, phục hồi những hạng mục công trình cổ, đồng thời tôn tạo những hạng mục mới đáp ứng nhu cầu thực hành và hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân và du khách, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Vị trí dự án Mở rộng di tích lịch sử - văn hóa chùa Hổ Sơn có tổng diện tích là: 79.664 m2 gồm Khu I (khu tâm linh trên núi) diện tích: 5.215 m2; Khu II khu nội tự (khu dưới núi) diện tích: 74.449 m2. Trong đó diện tích đất trồng lúa nước 2 vụ chuyển mục đích sử dụng phục vụ dự án khoảng 6,2 ha. Dự án với quy mô thiết kế các hạng mục công trình chính gồm: Đền thờ Huyền Trân công chúa; Công trình thờ Mẫu; Lầu Cô, lầu Cậu; Nhà tổ Trúc Lâm và nhà tổ ni; Nhà Bia; Nghi môn đền; Tam quan nội; Tam lăng tháp tổ; Tam quan ngoại; Bảo Tháp; Tượng phật Hoàng Trần Nhân Tông/Đế đặt tượng Phật hoàng; Giảng đường; Thuyền lưu niệm; Nhà tăng; Nhà sư trụ trì. Các hạng mục phụ trợ gồm Nhà thuốc nam; Nhà bếp; Nhà vệ sinh; hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện; hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom thoát nước thải,…)

Dự án Mở rộng di tích lịch sử - văn hóa chùa Hổ Sơn đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mở rộng di tích lịch sử văn hóa chùa Hổ Sơn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Dự án Mở rộng di tích lịch sử - văn hóa chùa Hổ Sơn là dự án có yếu tố nhạy cảm do có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước 02 vụ với diện tích khoảng 6,2 ha. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 30; điểm đ khoản 4 Điều 28 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và mục số 6 cột 3 phụ lục IV của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật bảo vệ môi trường, thì dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định và Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định phê duyệt.

2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định

3. Thông tin chung về dự án:

- Tên dự án: Mở rộng di tích lịch sử- văn hóa chùa Hổ Sơn.

- Địa điểm thực hiện dự án: xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

- Chủ dự án: Ủy ban nhân dân xã Liên Minh.

- Người đại diện: Ông Trần Đức Thiện                  ; Chức vụ: Chủ tịch

- Địa chỉ liên hệ của chủ dự án: xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

- Số điện thoại: 0962 873 314

- Ngày lấy ý kiến: 27/04/2023 (Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, bắt đầu từ ngày 27/04/2023 đến hết ngày 11/05/2023)

- Ngày hết hạn tham vấn: 11/05/2023

 

 

Các tệp văn bản đính kèm
Tải về