Tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án: "Dự án Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối"
12/31/2024

1. Thông tin chung về dự án

Nam Định là một trong những trung tâm phụ tải của miền Bắc, trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Do đó, trong chế độ phụ tải cực đại, lưới điện sẽ cần một lượng công suất phản kháng để đảm bảo điện áp vận hành không nằm dưới ngưỡng cho phép. Theo số liệu phụ tải thực tế, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của tỉnh Nam Định ở mức trung bình trong khu vực miền Bắc. Năm 2021, công suất tiêu thụ Pmax tỉnh Nam Định đạt 664,7 MW, tăng 17,63% so với năm 2020. Năm 2022, công suất tiêu thụ Pmax tỉnh Nam Định đạt 640,8MW, giảm 3,6% so với năm 2021. Năm 2023, công suất tiêu thụ Pmax tỉnh Nam Định đạt 694,2MW, tăng 8,33% so với năm 2022.

Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới 2050”; Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, dự báo nhu cầu điện tỉnh Nam Định đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân là 12%/năm giai đoạn 2021-2030 và 14%/năm giai đoạn 2030-2050.

Qua kết quả tính toán cân bằng công suất tỉnh Nam Định nhận thấy rằng, trong giai đoạn năm 2025-2026, quy mô tổng công suất các trạm 220kV trên địa bàn tỉnh đã không còn đáp ứng đủ việc cung cấp điện năng cho nhu cầu phụ tải tỉnh Nam Định. Cụ thể năm 2025, trong chế độ vận hành bình thường công suất nguồn trạm 220kV đủ để cấp điện cho phụ tải tuy nhiên trong chế độ sự cố N-1 lại thiếu hụt khoảng 211MVA. Năm 2026, trong chế độ vận bình thường, công suất nguồn trạm 220kV thiếu hụt khoảng 41MVA, trong chế độ sự cố N-1 là khoảng 309MVA. Như vậy, trong năm 2025-2026, cần thiết bổ sung thêm nguồn trạm 220kV cấp điện cho phụ tải của tỉnh Nam Định.

Giai đoạn 2026-2027 khi chưa xuất hiện TBA 220kV Nam Định 2, lưới điện khu vực chỉ đảm bảo cung cấp điện trong chế độ làm việc bình thường. Cụ thể, năm 2026 khi xuất hiện TBA 220kV Nam Định 2 công suất 1x125MVA: MBA tại trạm 220kV Trực Ninh mang tải 71% trong chế độ vận hành bình thường và quá tải (mang tải 103%) trong chế độ sự cố N-1. Năm 2027 khi xuất hiện TBA 220kV Nam Định 2 công suất 1x125MVA: MBA tại trạm 220kV Trực Ninh mang tải 73% trong chế độ vận hành bình thường và quá tải (mang tải 105%) trong chế độ sự cố N-1.

Việc đầu tư xây dựng TBA 220kV Nam Định 2 công suất 250MVA và đường dây đấu nối đưa vào vận hành quý IV/2026 là thực sự cần thiết, hỗ trợ giảm tải cho các TBA 220kV Ninh Bình, 220kV Trực Ninh và đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho các phụ tải trong khu vực.

Giai đoạn 2030-2035, lưới điện khu vực vẫn đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trong chế độ làm việc bình thường cũng như khi TBA 220kV Nam Định 2 bị sự cố N-1.

TBA 220kV Nam Định 2 khi đi vào vận hành sẽ giảm đáng kể tổn thất công suất tác dụng trên lưới điện truyền tải (khoảng 8,1-9,81MW).

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng TBA 220kV Nam Định 2 công suất 2x250MVA và đường dây đấu nối đưa vào vận hành quý IV năm 2026 là thực sự cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu sau:

- Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.

- Tăng cường khả năng truyền tải cho đường dây hiện hữu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực tỉnh Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung.

- Tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

- Hỗ trợ các đường dây trong khu vực tăng cường khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

- Giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản suất kinh doanh của EVN.

Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối được xây dựng trên địa bàn xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Vị trí này đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận tại văn bản số 549/UBND-VP5 ngày 17/05/2024. Dự án cũng đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 30/8/2024.

Căn cứ theo điểm c, đ khoản 4 Điều 28 của Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và cột 3 mục 6 Phụ lục IV của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, dự án “Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối” là dự án thuộc nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và có sử dụng đất trồng lúa, có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha (khoảng 6,84ha) thuộc nhóm phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình UBND tỉnh Nam Định thẩm định và phê duyệt.

2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án

Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối” là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (Chủ dự án).

3. Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch của pháp luật về bảo vệ môi trường; mối quan hệ của dự án với các dự án khác, các quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan

3.1 Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch tổng thể, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

a) Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch tổng thể quốc gia

Theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại khoản 2 Điều 9 có nêu: “Phát triển hạ tầng năng lượng đáp ứng yêu cầu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội”.

Dự án Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối được xây dựng nhằm các mục tiêu:

- Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.

- Tăng cường khả năng truyền tải cho đường dây hiện hữu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực tỉnh Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung.

- Tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

- Hỗ trợ các đường dây trong khu vực tăng cường khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

- Giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản suất kinh doanh của EVN.

b) Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại khoản 1 Điều 1 có nêu: “Quy hoạch bảo vệ môi trường là định hướng bảo vệ môi trường cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, yếu tố môi trường phải được tính đến trong từng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chuyển dịch năng lượng công bằng, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2021-2030… kết hợp với bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên”.

Dự án Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối đi trên địa bàn xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong quá trình khảo sát, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 đã phối hợp với chính quyền địa phương chọn vị trí xây dựng trạm biến áp và hướng tuyến đường dây nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến các khu dân cư, các quy hoạch phát triển của địa phương…

Như vậy, việc lựa chọn vị trí trạm biến áp và hướng tuyến đường dây dự án là hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/07/2024.

3.2. Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch vùng

Dự án Trạm biến áp 220kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối thực hiện hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Nam Định phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/05/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc phát triển hạ tầng năng lượng sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

3.3. Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Theo đó:

- Trong Phụ lục VIII (Phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030), Bảng B (Các trạm điện) có tên TBA 220kV Nam Định 2 với công suất 1x250MVA tại số thứ tự số 2.2.

- Trong Phụ lục VIII (Phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030), Bảng C (Phương án phát triển đường dây) có tên đường dây 220kV mạch kép dây dẫn phân pha từ Nam Định 2 - rẽ Trực Ninh - Ninh Bình và Trực Ninh - Nam Định với quy mô 02 mạch, chiều dài dự kiến 02km tại số thứ tự số 2.6.

Dự án đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 30/8/2024. Vị trí TBA 220kV Nam Định 2 và hướng tuyến đường dây đấu nối đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận tại văn bản số 549/UBND-VP5 ngày 17/05/2024.

Như vậy, Dự án phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

3.4. Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Về quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất: Chủ dự án đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cam kết chỉ triển khai thi công xây dựng khi đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến đất đai theo quy định.

3.5. Mối liên hệ của dự án với các dự án, quy hoạch phát triển điện lực

- Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

+ Trong Phụ lục VIII (Phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030), Bảng B (Các trạm điện) có tên TBA 220kV Nam Định 2 với công suất 1x250MVA tại số thứ tự số 2.2.

+ Trong Phụ lục VIII (Phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030), Bảng C (Phương án phát triển đường dây) có tên đường dây 220kV mạch kép dây dẫn phân pha từ Nam Định 2 - rẽ Trực Ninh - Ninh Bình và Trực Ninh - Nam Định với quy mô 02 mạch, chiều dài dự kiến 02km tại số thứ tự số 2.6.

- Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới 2050”, tại mục 1b khoản II Điều 1 có nêu: “Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất”.

+ Trong Phụ lục II (Danh mục và tiến độ các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện), Bảng 10 (Danh mục các trạm biến áp 220kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2030) có tên TBA 220kV Nam Định 2 với quy mô xây mới, công suất 250MVA tại số thứ tự số 44.

+ Trong Phụ lục II (Danh mục và tiến độ các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện), Bảng 11 (Danh mục các đường dây 220kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2030) có tên đường dây 220kV Nam Định 2 - rẽ Trực Ninh - Ninh Bình và Trực Ninh - Nam Định với quy mô xây mới, đấu nối TBA 220kV Nam Định 2, đường dây 02 mạch, chiều dài dự kiến 02km tại số thứ tự số 162.

Như vậy, việc xây dựng dự án là phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 và Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

- Ngày lấy ý kiến: 31/12/2024 (Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, bắt đầu từ ngày 31/12/2024 đến hết ngày 15/01/2025)

- Ngày hết hạn tham vấn: 15/01/2025

Các tệp văn bản đính kèm
Tải về

GÓP Ý